Vũ khí bá chủ đại dương của Mỹ bị Nga, Trung uy hiếp giữa biển

08:49, 17/04/2017
|

(VnMedia) - Bắc Kinh và Moscow cùng phái tàu tình báo đi bám sát tàu sân bay USS Carl Vinson khi chiến hạm này hùng dũng tiến về phía bán đảo Triều Tiên, nhiều nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản tiết lộ.

Tàu sân bay Mỹ
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ

Tàu sân bay hạt nhân và nhóm tàu hỗ trợ tấn công của nó được tin là đang ở vùng lãnh hải xung quanh biển Hoa Đông và đang hướng về phía bắc, tiến tới bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga đều bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Triều Tiên. Cả hai nước này đều kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế để đảm bảo đặt ưu tiên cho sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây đã nói, vấn đề Triều Tiên nên được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các nỗ lực ngoại giao và chính trị.

Việc cả Nga và Trung Quốc đều phái tàu tình báo đi bám sát nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ có thể là động thái nhằm phát đi một thông điệp cảnh báo cho Washington, các nguồn tin nhận định.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận gì về thông tin nói.

Nhóm tàu tấn công của Mỹ với tàu chỉ huy là tàu sân bay USS Carl Vinson cùng với đội hỗ trợ là các tàu khu trục và tuần dương hạm đã lên đường tiến tới bán đảo Triều Tiên từ Singapore. Nhóm tàu tấn công tiên phong của Hạm đội Số 3 Hải quân Mỹ này ban đầu theo kế hoạch là thực hiện một chuyến thăm đến Australia nhưng hôm 8/4 đã bất ngờ nhận được lệnh đổi hướng, tiến về bán đảo Triều Tiên.

Giới chức Mỹ tuyên bố, động thái phái đội tàu tấn công đến ngoài khơi Triều Tiên được đưa ra là nhằm giúp Tổng thống Donald Trump có được “mọi sự lựa chọn” trong hành động khi cần để đối phó với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un. Tàu sân bay vốn được ví là vũ khí bá chủ đại dương.

Hoạt động triển khai nhóm tàu tấn công đến áp sát Triều Tiên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang leo thang nghiêm trọng vì những hành động khiêu khích cao độ của chính quyền Bình Nhưỡng trong thời gian qua. Nó cũng diễn ra sau khi Mỹ vừa gây sốc bằng cuộc tấn công bất ngờ vào Syria. Tổng thống Donald Trump đã cho thấy sự quyết liệt, cứng rắn và mạnh tay của ông này trong khi ra quyết sách cũng như trong hành động khi ra lệnh cho quân đội bắn hàng chục quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mới nhất vừa xảy ra ở Syria. Phương Tây cáo buộc do chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã thực hiện vụ tấn công này.

Sau vụ tấn công Syria hôm 7/4, không ít người nghĩ rằng, ông Trump sẽ mạnh tay với Triều Tiên. Và khả năng ông này ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng và Triều Tiên là có thể khi Mỹ điều động một lực lượng tấn công đến đóng ngay sát Triều Tiên.

Triều Tiên đã đe dọa sẽ phá hủy tàu sân bay của Mỹ nếu nước này có bất kỳ hành động gây hấn quân sự nào. "Những mục tiêu lớn như tàu sân bay càng đến gần bờ biển của chúng tôi thì chúng tôi càng cso khả năng phát động những cuộc tấn công hủy diệt hiệu quả hơn”, Bộ Quốc phòng Triều Tiên đã cảnh báo như vậy trong một tuyên bố được phát đi gần đây.

Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều lên án những động thái thách thức liên tiếp trong thời gian qua của Triều Tiên nhưng hai nước này đều không muốn kịch bản xung đột bùng nổ trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Bắc Kinh được cho là đã nhất trí phối hợp với Washington để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc tung ra thêm các biện pháp trừng phạt đối với nước láng giềng đồng minh. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc liên tục lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xung đột bùng phát.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc