(VnMedia) - Với việc hoãn nhập khẩu than từ Triều Tiên, Trung Quốc đã sử dụng một "cây gậy lớn" để trừng phạt đồng minh đặc biệt của họ. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ cắt đứt những mối quan hệ then chốt với Bình Nhưỡng, và Trung Quốc vẫn đang phải thúc đẩy tiến trình đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ảnh minh họa |
Lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từng mô tả mối quan hệ Trung-Triều là “môi hở, răng lạnh”. Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Không ai khác ngoài Trung Quốc có thể cắt đứt mối liên hệ quan trọng nhất của Triều Tiên với thế giới bên ngoài bằng cách chấm dứt nguồn viện trợ lương thực, nhiên liệu và vũ khí. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Trong những lần thử hạt nhân và tên lửa trước, Bắc Kinh thường không mấy khi tỏ thái độ bởi không muốn làm đồng minh Bình Nhưỡng tức giận.
Tuy nhiên, gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi lập trường. Sau vụ thử hạt nhân đầy bất ngờ hồi đầu năm ngoái của Triều Tiên, Trung Quốc đã có phản ứng mạnh chưa từng có với đồng minh. Giới chức Trung Quốc đã có những phát biểu lên án mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên đồng thời Trung Quốc cũng là nước đứng trong “tuyến đầu” trong nỗ lực thúc đẩy Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên.
Quan hệ Trung-Triều kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền được cho là đã có nhiều dấu hiệu rạn nứt. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc là đến Hàn Quốc - đối thủ của Triều Tiên chứ không phải là Triều Tiên. Gần đây, giới phân tích đã không ít lần nói đến việc Bình Nhưỡng đang tìm cách rời xa dần Trung Quốc và Bắc Kinh cũng ngày càng tỏ ra khó chịu với một đồng minh lên xuống thất thường như Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn và chán nản với cái mà họ miêu tả là sự “ngoan cố” và không sẵn sàng của chính quyền Triều Tiên trong việc thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân, giới chuyên gia về Triều Tiên ở Trung Quốc phân tích. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ và quyết liệt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đòi họ phải xử lý nghiêm khắc đồng minh Bình Nhưỡng.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc hồi đầu tuần này cho biết, quyết định hoãn nhập khẩu than từ Triều Tiên cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc phối hợp với cộng đồng quốc tế để ngăn chặn chương trình và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính sách của Trung Quốc đối với nước láng giềng có bất kỳ thay đổi căn bản nào.
"Bất chấp việc tham gia vào các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên, mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ không thay đổi. Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc chỉ nhằm vào chương trình vũ khí hạt nhân và chúng tôi kiên quyết phản đối việc Seoul tung ra những thông tin ảo tưởng về chính trị nhằm chống lại Bình Nhưỡng”, bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết như vậy.
Thông tin ảo tưởng mà tờ báo của Trung Quốc nhắc đến chính là những tin đồn đang rộ lên trên báo chí Hàn Quốc gần đây về việc Bắc Kinh có thể tạm ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên để trừng phạt vụ anh trai Chủ tịch Kim Jong Un bị ám sát ở Malaysia hồi tuần trước. Giới chức Hàn Quốc tin rằng, anh trai Kim Jong Nam của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bị chính các điệp viên của Triều Tiên ám sát.
Ảnh hưởng kinh tế từ việc hoãn nhập khẩu than từ Triều Tiên sẽ rất nghiêm trọng và có thể buộc Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán, một số chuyên gia Trung Quốc nhận định như vậy. Trung Quốc đang nhập khẩu khối lượng than trị giá khoảng 1,89 tỉ USD từ Triều Tiên. Đây là một con số rất lớn so với mức 2,5 tỉ USD giá trị tổng nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên năm 2016.
"Đây là một biện pháp rất mạnh tay, khác hoàn toàn so với những hành động trước đó. Nó cho thấy Trung Quốc đã tức giận thế nào trước những vụ thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng”, ông Jin Qiangyi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên và Hàn Quốc ở trường Đại học Yanbian University, cho biết.
"Tình hình đang diễn ra theo hướng không làm gì sẽ có nguy cơ khiến mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn và thực hiện hành động này (hoãn nhập khẩu than đá) dù có nguy cơ nhưng có thể buộc Triều Tiên phải đàm phán”, ông Jin nói thêm.
Bắc Kinh vẫn muốn hành động thận trọng với Bình Nhưỡng để tránh khiến Chủ tịch Kim Jong Un quá tức giận. Bởi Bắc Kinh lo ngại, ông Kim thậm chí có thể chĩa tên lửa về phía Trung Quốc, một nguồn tin trong nội bộ quân đội Trung Quốc cho biết.
Bắc Kinh luôn cố gắng tránh làm Triều Tiên phật lòng bởi nước này có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Trung Quốc cần có môi trường ổn định để phát triển đất nước. Đây là ưu tiên số 1 của giới lãnh đạo nước này. Một khi nền hoà bình mong manh ở Triều Tiên bị phá vỡ thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt nguy cơ. Tình hình bất ổn ở Triều Tiên có thể gây ra làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc