(VnMedia) - Mỹ và Tây Ban Nha đã bắt đầu kế hoạch đưa quân và vũ khí vào những nước láng giềng xung quanh Nga, tạo thành một vòng vây siết chặt quanh cường quốc Đông Âu.
Cảng ở Biển Đen của Rumani đã bắt đầu đón nhận 500 binh sĩ Mỹ cùng một loạt xe tăng của siêu cường số 1 thế giới như một phần của kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ cho sườn phía đông của NATO. Thực chất, đây là kế hoạch của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhằm đối phó với Nga.
Theo Đại sứ quán Mỹ cho biết, “Những con đại bàng chiến đấu” - Tiểu đoàn số 1 thuộc Trung đoàn Bộ binh số 8 của Mỹ sẽ được điều đến triển khai luân phiên ở căn cứ Mihail Kogalniceanu, phía đông Rumani.
Ngày hôm qua (14/2), Đại sứ Mỹ tại Rumani Hans G. Klemm phát biểu, hoạt động triển khai nói trên cho thấy “mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ giữa Mỹ và Rumani không chỉ trên lên nói mà cả trong hành động”. Sự hiện diện của binh sĩ Mỹ “giúp tăng cường năng lực… trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở đông nam Châu Âu cũng như khu vực Biển Đen”, ông Klemm cho biết.
Trong khi đóng tại căn cứ Mihail Kogalniceanu, các binh sĩ Mỹ sẽ tham gia vào nhiều cuộc tập trận đa quốc gia và tiến hành những cuộc diễn tập bắn đạn với vũ khí chiến đấu.
Ngoài Mỹ, Tây Ban Nha cũng chuẩn bị đưa 350 binh sĩ cùng với 6 xe tăng và hơn một chục phương tiện bọc thép đến Latvia. Đây là một phần của tiểu đoàn NATO do lực lượng Canada chỉ huy đóng tại vùng Đông Âu, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Riga cho báo chí Latvia biết.
6 chiếc xe tăng Leopard của Tây Ban Nha sẽ lần đầu tiên được triển khai ở bên ngoài lãnh thổ nước này. Đoàn xe tăng này được bổ sung từ 14 đến 16 chiếc xe bọc thép, Đại sứ quán Tây Ban Nha cho biết.
Mục tiêu của hoạt động triển khai quân sự của Tây Ban Nha được tuyên bố là nhằm để củng cố an ninh cho Latvia và tăng cường sự hiện diện của NATO ở sườn phía đông. Những chiếc xe bọc thép của Tây Ban Nha sẽ lần đầu tiên được trình diện trong các cuộc tập trận quân sự trên đất Latvia vào tháng Năm này, báo chí địa phương đưa tin.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Latvia – ông Kaspars Galkins cho biết, họ vẫn đang bàn bạc với các nước thành viên NATO về việc những thiết bị quân sự cụ thể nào sẽ được triển khai trên lãnh thổ của Latvia.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw hồi tháng Bảy năm ngoái, các nước thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã nhất trí về kế hoạch “triển khai lực lượng quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh” đến khu vực Đông Âu. Cụ thể, sẽ có 4 tiểu đoàn đa quốc gia được đưa đến các nước Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Hồi tháng Một, 2.800 vũ khí hạng nặng của Mỹ bao gồm xe tăng Abrams, khẩu pháo Paladin, phương tiện chiến đấu Bradley và 4.000 binh sĩ Mỹ được đưa đến Châu Âu. Lực lượng này đã đến Ba Lan tập trận hồi cuối tháng Một trước khi được triển khai tới 7 nước gồm các quốc gia Baltic, Bulgaria, Rumani và Đức.
Đức, Canada và Anh cũng đóng góp vào kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu.
Trong khi các nước thành viên NATO tiếp tục đưa ra lý do về sự “gây hấn, xâm lược của Nga” làm cái cớ để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực thì Nga luôn bác bỏ cáo buộc này. Moscow chỉ trích kịch liệt các hoạt động quân sự của NATO ở xung quanh biên giới của họ, nói rằng diễn biến đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ việc đáng tiếc và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc