(VnMedia) - Việc Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Michael Flynn phải từ chức chắc chắn sẽ gây ra một ảnh hưởng tiêu cực đối với cả chính quyền của ông Donald Trump lẫn triển vọng của mối quan hệ Nga-Mỹ, chuyên gia quân sự của Nga – ông Vladimir Batyuk nhận định. Rõ ràng, vụ việc này đã phá vỡ hy vọng của Nga về việc sớm cải thiện quan hệ với Mỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Michael Flynn vừa bị ép phải từ chức. |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, chuyên gia quân sự của Nga – ông Vladimir Batyuk đến từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ và Canada có trụ sở ở Moscow, cho biết, việc ông Flynn từ chức sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chính trị của chính quyền ông Trump và tương lai quan hệ Moscow-Washington.
Trước đó, hồi đầu tuần, Nhà Trắng thông báo ông Michael Flynn đã từ chức Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump và Trung tướng nghỉ hưu Keith Kellog được bổ nhiệm vào vị trí này. Chính quyền của ông Trump thừa nhận đã gây sức ép buộc ông Flynn phải ra đi.
Trong đơn từ chức, ông Flynn nói rằng, ông đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho Nhà Trắng về những cuộc tiếp xúc của ông này với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.
Những cuộc điện đàm của ông Flynn với ông Kislyak trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump hôm 20/1 vừa qua đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu vị cố vấn này có phá vỡ luật của Mỹ cấm một công dân nước này liên hệ với những nước bên ngoài đang có tranh chấp ngoại giao.
Báo chí Mỹ đưa tin, ông Flynn được cho là đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga với Đại sứ Kislyak trước khi ông Trump chính thức tiếp quản quyền lực. Nhóm của ông Trump liên tiếp bác bỏ cáo buộc này.
Bình luận về diễn biến trên, ông Vladimir Batyuk cho rằng, một mặt, việc ông Flynn từ chức đã giáng một đòn mạnh vào hình ảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump bởi ông Flynn là một trong những nhân vật then chốt trong đội ngũ của ông Trump.
"Thực tế về việc người đàn ông đó được chứng minh là một người không có đủ năng lực và thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín của chính quyền Tổng thống Trump”, ông Batyuk phân tích.
Mặt khác, việc ông Flynn từ chức sẽ khiến Nga phải suy nghĩ lại hai lần trước khi đặt sự tin tưởng vào Washington và tiến hành các cuộc đối thoại bí mật về những vấn đề quốc tế và song phương nhạy cảm với Mỹ, chuyên gia Batyuk cho hay.
"Và tất nhiên, điều đó sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho tương lai tiến trình đối thoại giữa Nga và Mỹ”, ông Batyuk cho biết.
Cũng theo ông Batyuk, khi Tổng thống Donald Trump lựa chọn một người mà người đó không hiểu đầy đủ về nhiệm vụ của ông ấy với tư cách là một thành viên trong đội ngũ của ông Trump thì đó chắc chắn là một đòn giáng vào chính Tổng thống.
Ông Batyuk cũng không loại trừ khả năng sự ra đi của ông Flynn có thể dẫn đến tình huống Nga cảnh giác với những cuộc tiếp xúc với các đại diện của chính quyền Mỹ. “Khi Đại sứ Nga tại Mỹ Kislyak điện đàm với ông Flynn, ông ấy chắc chắn nghĩ rằng ông ấy đang tiếp xúc với đại diện của Tổng thống Trump. Vậy mà, bây giờ sự thật lại hoàn toàn khác và điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào sự tin tưởng của Moscow dành cho chính quyền mới của Mỹ. Tin tưởng có tầm quan trọng tối cao trong ngoại giao”, ông Batyuk kết luận.
Nga rõ ràng không thể vui được trước diễn biến đầy bất ngờ trong chính quyền của ông Trump. Đây cũng là đòn giáng mạnh vào hy vọng cải thiện quan hệ với Mỹ của Nga bởi chính quyền của ông Trump đã mất đi một nhân vật ủng hộ Nga trong bối cảnh giới chức Mỹ đa phần chống đối Nga.
Nhiều người tin rằng, việc ông Flynn phải ra đi đã phơi bày mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền ông Trump và đằng sau vụ việc này có sự can dự của những quan chức đang quyết liệt chống đối việc Tổng thống Mỹ muốn khôi phục quan hệ với Nga.
Nhà lãnh đạo Trump liên tục phát đi tín hiệu thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Tuy nhiên, mong muốn này vấp phải sự phản đối và cản trở của rất nhiều quan chức Mỹ.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc