Châu Âu phớt lờ tối hậu thư của Donald Trump

19:22, 22/02/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức cấp cao của Mỹ gần đây liên tục đưa ra tối hậu thư yêu cầu các đồng minh Châu Âu chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, Châu Âu dường như phớt lờ tối hậu thư này.

Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Trump mới đây đã phái các quan chức hàng đầu của Mỹ đến Châu Âu để phát đi lời cảnh báo quen thuộc rằng các đồng minh Châu Âu buộc phải tăng đóng góp chi tiêu quốc phòng nếu không sẽ phải đối mặt với “điều khác”.

Tuy nhiên, Châu Âu đã tìm cách lảng tránh tối hậu thư nói trên với lập luận được đưa ra là cam kết an ninh không chỉ liên quan đến mỗi vấn đề đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng.

Diễn biến trên cho thấy, Mỹ và các đồng minh Châu Âu sẽ còn tiếp tục đối đầu về vấn đề ngân sách quốc phòng.

"Mọi thứ sẽ rất khác nếu chúng ta cộng tất cả ngân sách quốc phòng, ngân sách cho viện trợ phát triển và các nỗ lực nhân đạo trên khắp thế giới", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hồi tuần trước đã nói như vậy tại Hội nghị An ninh Munich để giải thích về việc họ đóng góp mức ngân sách quốc phòng chưa đáp ứng mức chuẩn mà NATO đặt ra.

Hiện nay, Washington đang gánh khoảng 70% ngân sách của NATO. Chính quyền của ông Donald Trump tin rằng, đây là sự bất công bằng không thể chấp nhận được và giới quan chức ở Washington đang kêu gọi các nước thành viên NATO chia sẻ gánh nặng ngân sách công bằng hơn. Đứng bên cạnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc gặp hồi đầu tuần này, ông Juncker đã kêu gọi thực hiện một cách tính toán khác. "Chúng tôi muốn… có cái nhìn rộng hơn, theo đó từ ‘ổn định’ trên thế giới có nghĩa là chi tiêu quốc phòng, viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển”, ông Juncker đã nói như vậy.

Từ năm 2014, tại hội nghị thượng đỉnh ở Wales, giới lãnh đạo NATO đã nhất trí dành 2% GDP để đóng góp cho chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, tính đến năm 2016, chỉ có một vài nước thành viên NATO đạt mục tiêu đóng góp 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, chi hơn 3,6% GDP cho quốc phòng. Sau Mỹ là Hy Lạp, Anh, Estonia và Ba Lan. 23 nước thành viên còn lại của NATO đều đóng góp dưới mức mục tiêu đề ra.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc