(VnMedia) - Trung Quốc hôm nay (21/2) tuyên bố họ phản đối việc các nước khác dựa trên cái cớ chiến dịch tự do hàng hải để có những hành động làm phương hại đến “chủ quyền” của họ. Phát biểu này được đưa ra sau khi Mỹ phái một nhóm tàu sân bay vào Biển Đông để thực hiện một chuyến đi tuần tra.
Tàu sân bay USS Carl Vinson |
Hải quân Mỹ cho biết, nhóm tàu sân bay, bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, hôm 18/2 đã bắt đầu “các chiến dịch định kỳ” ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc leo thang trong khu vực.
"Trung Quốc luôn tôn trọng quyền của tất cả các nước trong vấn đề tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời theo luật quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Geng Shuang cho biết tại một cuộc họp báo định kỳ.
"Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết phản đối các nước có liên quan đe dọa và phá hoại chủ quyền cũng như an ninh của các nước ven biển dưới danh nghĩa sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời”, ông Geng cho biết trong lời bình luận chính thức đầu tiên về chuyến đi tuần tra của nhóm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông mới nhất.
"Chúng tôi hy vọng các nước có liên quan có thể nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ hòa bình và sự ổn định trong khu vực”, ông Geng cho biết thêm.
Trung Quốc liên tiếp phản đối chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ nhưng không làm lay chuyển được quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ sự tự do hàng hải ở Biển Đông. Giới chức Lầu Năm Góc từng tuyên bố, những chuyến tuần tra như vậy sẽ tiếp tục được thực hiện. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch định kỳ và hợp pháp vòng quanh thế giới, trong đó có cả ở Biển Đông, nhằm bảo vệ các quyền, sự tự do và quyền được sử dụng hợp pháp mọi vùng biển, vùng trời được luật pháp cho phép. Điều này sẽ không thay đổi.
Chiến dịch “tự do hàng hải” được thực hiện bằng cách đưa tàu chiến Mỹ vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Washington tuyên bố, đây là cách để Mỹ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như duy trì luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Tình hình Biển Đông đang “nóng như lửa” khi Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đáng chú ý hơn là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Âm mưu của Trung Quốc là dùng những công trình bất hợp pháp này để đặt mọi sự đã rồi và từ đó đòi chủ quyền đối với những khu vực vốn không thuộc của họ. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung.
Trước tham vọng của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đang ra sức ngăn cản. Mỹ đang ngày một tích cực trong các hoạt động nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc có thể độc chiếm khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc