(VnMedia) - Quyết tâm của Hàn Quốc trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD đã làm khoét sâu mâu thuẫn trong quan hệ giữa nước này với nước láng giềng hùng mạnh Trung Quốc. Seoul đã cho thấy một lập trường cứng rắn và đầy thách thức khi phớt lờ mọi lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc xem xét lại kế hoạch triển khai THAAD.
Ảnh minh họa |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (5/1) lại một lần nữa nhắc nhở Seoul về “mối quan ngại” chiến lược và “sự phản đối mạnh mẽ” của họ đối với kế hoạch triển khai hệ thống THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc sau khi Washington và Seoul ký một thỏa thuận về kế hoạch này hồi tháng Bảy năm ngoái vì lý do liên quan đến những mối đe dọa xuất phát từ Triều Tiên.
“Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc đã làm phá vỡ nghiêm trọng cán cân chiến lược trong khu vực, gây phương hại đến những lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc, và không đem lại lợi ích gì cho hòa bình, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo ngày hôm qua.
Nhấn mạnh rằng Bắc Kinh “đã liên tục bày tỏ” sự lo ngại về vấn đề THAAD, Trung Quốc hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận chung với Seoul trước khi hệ thống phòng thủ tên lửa được dựng lên trên đất Hàn Quốc vào cuối năm nay.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng, thông qua các cuộc tiếp xúc và tham vấn song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, hai nước sẽ tìm ra được một giải pháp phù hợp giải quyết được mối quan ngại của cả hai bên. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan từ bỏ kế hoạch triển khai THAAD và không để mọi việc đi quá xa theo con đường sai lầm”, phát ngôn viên Geng nhấn mạnh.
Sự thách thức của Hàn Quốc
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay lập tức đã có phản ứng mạnh mẽ trước những phát biểu trên, khẳng định kế hoạch triển khai THAAD của họ sẽ được thực hiện. “Triển khai THAAD là một biện pháp chủ quyền và phòng thủ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đồng thời nhấn mạnh rằng Seoul sẽ không từ bỏ kế hoạch đó.
Cứng rắn hơn, Seoul còn triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc đến để bày tỏ sự phản đối trước cái được cho là “những biện pháp trả đũa” mà Bắc Kinh đang thực hiện nhằm đáp trả quyết định triển khai THAAD của Seoul.
“Phát ngôn viên của chúng tôi đã thể hiện rõ lập trường của chính phủ Hàn Quốc trong vấn đề THAAD”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Trong suốt vài tháng qua, Bắc Kinh đã tích cực “tấn công” vào các lợi ích của Hàn Quốc nhằm gây sức ép buộc Seoul phải thay đổi quyết định trong vấn đề THAAD. Bắc Kinh đã cấm phát sóng các chương trình truyền hình của Hàn Quốc và cấm các ca sĩ nhạc pop của Hàn Quốc xuất hiện trong một loạt chương trình của Trung Quốc. Bắc Kinh còn xóa bỏ chế độ trợ giá cho những chiếc xe hơi được trang bị bộ ắc quy của Hàn Quốc và tiến hành điều tra Lotte – một tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc đang làm ăn tại Trung Quốc.
Hôm 4/1 mới đây, Bắc Kinh còn áp dụng chiêu gây áp lực chính trị trực tiếp với Seoul khi để Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi gặp gỡ một phái đoàn của đảng đối lập lớn nhất của Hàn Quốc – Đảng Minjoo. Trong cuộc gặp ở thủ đô Bắc Kinh, ông Wang đã kêu gọi cả Hàn Quốc và Trung Quốc nên bắt tay tìm kiếm một giải pháp không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác song phương.
“Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước láng giềng gần gũi, thân thiết. Điều phía Trung Quốc phản đối là việc Hàn Quốc đơn phương thực hiện kế hoạch triển khai hệ thống THAAD gây phương hại đến các lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc”, ông Wang nói.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi tìm giải pháp của Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc hôm qua đã làm căng bằng cách tuyên bố sẽ trả đũa những biện pháp đáp trả mà Trung Quốc nhằm vào Seoul trong thời gian vừa qua.
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.
Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong thời gian qua. Mọi lời cảnh báo, đe dọa và cả những động thái trả đũa của Bắc Kinh trong thời gian qua không làm Seoul nao núng.
Ý kiến bạn đọc