(VnMedia) - Cảm nhận thấy khả năng Mỹ thay đổi chính sách với Ukraine sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên cầm quyền trong tháng này, Tổng thống Petro Poroshenko đang tìm mọi cách ve vãn chính quyền mới của Mỹ. Câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trump có thể tha thứ cho Kiev về việc đã công khai phá hoại chiến dịch tranh cử của ông này.
Tổng thống Petro Poroshenko |
Hôm qua (3/1) đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Mỹ và Ukraine. Nhân dịp này, văn phòng báo chí của Tổng thống Poroshenko đã ra một tuyên bố trong đó nhấn mạnh rằng Kiev đã và sẽ tiếp tục là một đối tác chiến lược đáng tin cậy của Washington.
Tuyên bố của Ukraine cho rằng, “một quan hệ đối tác dân chủ thực sự đã được thiết lập giữa hai nước và theo đó Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp sự giúp đỡ thực tế vô giá cho Ukraine trong việc phát triển các thể chế trong nước, xã hội dân sự, nền kinh tế thị trường và tăng cường an ninh cho đất nước chúng ta”.
Ông Poroshenko cũng không quên cảm ơn đối tác Mỹ về việc đã “ủng hộ cho chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ Ukraine trong những giai đoạn khó khăn” đồng thời đảm bảo với Washington rằng Kiev sẽ tiếp tục “tích cực phát triển” quan hệ đối tác với Mỹ trong lĩnh vực chính trị, trao đổi nhân đạo và an ninh.
Những lời chúc mừng nồng ấm của Tổng thống Poroshenko đối với Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Kiev đang ngày càng quan ngại về viễn cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ thay đổi căn bản mối quan hệ chính trị giữa Mỹ và Ukraine để hướng tới mục tiêu cải thiện quan hệ với Nga. Mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine đã được tăng cường mạnh mẽ sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014 ở Ukraine.
Cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự nổ ra ở Ukraine hồi cuối năm 2013 và leo lên cao trào vào tháng Hai năm 2014 bằng một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Brussels và Washington cáo buộc Moscow chiếm đoạt bán đảo Crimea của Ukraine và kích động bạo lực ở các khu vực miền đông Ukraine. Nga bác bỏ cáo buộc trên đồng thời tố ngược lại rằng chính phương Tây mới là thủ phạm kích động cuộc đảo chính lật đổ chính quyền được bầu lên một cách dân chủ ở Ukraine.
Chẳng bao lâu sau khi tuyên bố tham gia tranh cử chức tổng thống Mỹ năm 2015, ông Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ đối thủ Hillary Clinton và Đảng Dân chủ cũng như nhiều người của Đảng Cộng hòa vì những phát biểu của ông này trong việc muốn khôi phục lại quan hệ Mỹ-Nga và hợp tác với Moscow trong một loạt những vấn đề then chốt của an ninh quốc tế như cuộc chiến chống khủng bố.
Khi chiến dịch tranh cử tiếp diễn, Tổng thống Trump có thêm phát biểu khiến Ukraine lo ngại. Theo đó, ông này cho biết, ông có thể công nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga, đồng thời thừa nhận rằng, từ tất các nguồn tin mà ông nghe thấy, người ta đều nói “người dân Crimea muốn ở trong nước Nga hơn”. Ông Trump còn khiến Kiev và các đồng minh của nước này nổi giận khi bác bỏ những cáo buộc cho rằng Nga có kế hoạch “xâm lược Ukraine”.
Chưa hết, ông Trump cũng liên tục tỏ ý hoài nghi về tính hiệu quả và hợp lý của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Moscow trong khi Kiev thì ra sức vận động để Mỹ và phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Giới quan sát cũng nhận thấy rõ sự lạnh nhạt của ông Trump đối với cá nhân Nhà lãnh đạo Ukraine Poroshenko. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump đã khiến truyền thông Ukraine dậy sóng khi từ chối gặp gỡ ông Poroshenko bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Hai tháng sau, sau khi đắc cử chức tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục phớt Kiev sau khi cơ quan báo chí của Tổng thống đắc cử bỏ quên việc đưa tin về cuộc điện đàm chúc mừng của Tổng thống Ukraine trong khi lại đưa tin về cuộc gọi tương tự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thái độ của ông Trump là hoàn toàn dễ hiểu khi mà trong chiến dịch tranh cử, Kiev công khai đứng về phía bà Hillary Clinton. Thậm chí, giới chức Ukraine còn có những hành động phá hoại chiến dịch bầu cử của ông Trump.
Tuy nhiên, giờ đây, đứng trước nguy cơ bị chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump bỏ rơi, Kiev đang tìm mọi cách để làm thay đổi tình hình.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc