(VnMedia) - Một đợt vũ khí hạng nặng mới gồm khoảng 100 xe tăng và xe bọc thép của Mỹ vừa cập cảng Bremerhaven của Đức trong một động thái mà Washington tuyên bố nhằm để khẳng định cam kết của họ với các đồng minh trước cái gọi là mối đe dọa từ Nga. Chỉ trong vòng vài ngày qua, đã có 2.800 vũ khí hạng nặng và 4.000 quân Mỹ được điều đến những khu vực sát biên giới của Nga với lý do để đảm bảo Châu Âu vẫn được duy trì là “một khối nguyên vẹn, tự do, thịnh vượng và hòa bình”.
Ảnh minh họa |
Thêm 100 xe tăng Abrams, pháo tự hành Paladin và phương tiện chiến đấu Bradley của Mỹ đã được đưa đến Đức. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới của Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương. Như vậy, chỉ trong vài ngày qua, đã có đến 2.800 vũ khí hạng nặng và 4.000 quân Mỹ đổ về cảng Bremerhaven của Đức. Tất cả đều nhằm đối phó với Nga.
Trước đó, hôm 4/1, tàu Resolve chở khoảng 100 xe tăng, pháo tự hành và phương tiện chiến đấu của Mỹ đã đến cảng Bremerhaven của Đức.
Đợt điều quân và vũ khí mới nhất nói trên đánh dấu một giai đoạn mới trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Âu, và nó sẽ được tiến hành trên cơ sở luân phiên 9 tháng một lần.
“Đây là một nỗ lực của liên quân nhằm phát đi thông điệp với những lực lượng đe dọa hòa bình và an ninh Châu Âu rằng, chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Hãy để tôi nói rõ rằng, đây là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm ngăn chặn sự gây hấn của Nga, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của các đồng minh của chúng tôi cũng như duy trì một Châu Âu nguyên vẹn, tự do, thịnh vượng và hòa bình”, Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga - Trung tướng Timothy M. Ray tuyên bố.
“Điều quan trọng của lần triển khai này là nhóm chiến đấu của sư đoàn mang theo toàn bộ thiết bị vũ khí của họ từ Mỹ”, Phó Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Châu Âu - ông Tim McGuire cho biết. Theo ông này giải thích, việc triển khai như vậy sẽ giúp quân đội Mỹ có thể “thêm tính sẵn sàng” cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng đồng minh NATO.
Lực lượng mới của Mỹ đầu tiên sẽ được điều đến Ba Lan để tham gia các cuộc tập trận vào cuối tháng này và sau đó sẽ được triển khai trên khắp 7 quốc gia, trong đó có các nước Baltic, Bulgari, Rumani và Đức. Một trụ sở điều hành sẽ được dựng lên ở Đức.
Ngoài Mỹ, Đức Canada và Anh cũng sẽ đóng góp một lực lượng đáng kể đến khu vực Đông Âu để răn đe Nga.
Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương được Mỹ miêu tả là sự thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh tập thể của Châu Âu. Nó ra đời vào tháng Tư năm 2014 sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương được thực hiện thông qua những cuộc tập trận, huấn luyện đa quốc gia liên tục cùng với những hoạt động hợp tác của Mỹ và NATO ở Đông Âu. Kể từ khi Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương ra đời, đã có một loạt các cuộc tập trận được tổ chức ở các nước như Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Rumania, Bulgari và Hungary.
Washington được cho là đang cấp tập thúc đẩy triển khai lực lượng đến Đông Âu sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Ông Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là có chủ trương cải thiện mối quan hệ với Nga đồng thời thể hiện sự hoài nghi về NATO, nói rằng các cường quốc Châu Âu nên đóng góp nhiều hơn nếu muốn tiếp tục dựa vào sự bảo vệ của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả Mỹ cũng như NATO.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc