(VnMedia) - Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nga, Lực lượng Vũ trang Ukraine vẫn tiến hành cuộc tập trận bắn tên lửa gần bán đảo Crimea, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Không quân Ukraine hôm nay (1/12) cho biết.
Ảnh minh họa |
Kế hoạch tập trận được tiến hành như kế hoạch. "Họ đã bắt đầu khai hỏa. Nói cách khác, mọi thứ sẽ tiến hành theo kế hoạch", phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Không quân Ukraine Volodymyr Kryzhanovskiy cho đài truyền hình 112 của Ukraine biết đồng thời nói thêm rằng, các vụ phóng tên lửa được thực hiện đúng với các quy định của luật quốc tế. Cuộc tập trận tên lửa của Ukraine sẽ diễn ra trong hai ngày 1 và 2/12, trong khoảng thời gian từ 5h sáng đến 17h theo giờ quốc tế, ông Rosaviatsia cho hay.
Theo ông Kryzhanovskiy, tên lửa mà Ukraine bắn đi sẽ đến gần không phận bán đảo Crimea ở khoảng cách chỉ 30km.
Trước đó, Ukraine đã thông báo kế hoạch tập trận cho Nga và Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/11 đã gửi tùy viên quân sự Ukraine một văn bản phản đối đến Kiev. Trong văn bản đó, Nga bày tỏ sự phản đối quyết liệt cuộc tập trận bắn tên lửa qua bờ biển phía tây của Crimea mà Ukraine dự kiến thực hiện từ 1/12 và 2/12. Moscow cho rằng cuộc tập trận này "vi phạm vùng lãnh hải của Liên bang Nga".
Việc Kiev bắn tên lửa đến gần bán đảo Crimea rõ ràng là một hành động khiêu khích đối với Moscow.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3/2014. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga - nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương, nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối.
Kể từ sau vụ sáp nhập, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tuy nhiên, Nga cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc