Trung Quốc bị đối thủ đáng gờm nhất khu vực cảnh cáo

13:18, 29/12/2016
|

(VnMedia) - Sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ đem vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng hạt nhân Agni-V của Ấn Độ ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một quan chức cấp cao của Không quân Ấn Độ tuyên bố đầy thách thức rằng, các đối tác trong khu vực không nên thảo luận về việc Ấn Độ đang làm gì trừ khi điều đó bị cấm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tư lệnh Không quân Ấn Độ Arup Raha cho hay, vụ thử tên lửa của họ không phải là do bị thúc đẩy bởi sự gây hấn hay thù địch, mà là vì Ấn Độ cần phải xây dựng “năng lực ngăn chặn” cho mình, nói rằng “một đối thủ mạnh” chỉ có thể bị răn đe, ngăn chặn bởi “năng lực tấn công sâu vào trung tâm của kẻ thù”.

Kho vũ khí tên lửa ngày càng mạnh của Ấn Độ “không nhằm mục tiêu vào bất kỳ nước nào cụ thể”, ông Vikas Swarup - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.

Những phát biểu trên của quan chức Ấn Độ được đưa ra sau khi Trung Quốc dùng đến Nghị quyết 1172 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, để kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan ngừng phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

"Chúng tôi chú ý đến thông tin về vụ thử tên lửa đạn đạo Agni-V của Ấn Độ. Liên Hợp Quốc đã có quy định rõ ràng về việc Ấn Độ có thể phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân hay không”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết.

"Chúng tôi cũng quan tâm đến các thông tin trong đó có một số thông tin đến từ Ấn Độ và Nhật Bản phỏng đoán về việc liệu có phải Ấn Độ đang tìm cách đối phó với Trung Quốc. Họ cần phải hỏi phía Ấn Độ về ý định thực sự của họ đằng sau động thái đó. Về phía Trung Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc hai nước không phải là đối thủ cạnh tranh của nhau mà là đối tác hợp tác với tư cách là hai nước đang phát triển và hai nền kinh tế đang nổi”, phát ngôn viên Hua nói thêm.

Nghị quyết 1172 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã được thông qua sau khi Ấn Độ và Pakistan tiến hành vụ thử hạt nhân năm 1998. Nghị quyết này kêu gọi cả hai nước ngừng phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa đạn đạo có năng lực hạt nhân với lý do được đưa ra là cần phải thu hẹp khoảng cách trong năng lực răn đe. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã tuyên bố, ông sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân trước bất chấp việc New Delhi từng thông qua học thuyết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước sau vụ thử hạt nhân năm 1998.

Trung Quốc từ lâu luôn e ngại loại tên lửa Agni-V được cho là có tầm bắn bao phủ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-V có 3 tầng, được trang bị con quay laser hình vòng tiên tiến, động cơ tên lửa tích hợp và hệ thống dẫn đường vệ tinh có độ chính xác cao. Công nghệ của tên lửa này đã tiếp cận được với khoa học công nghệ mũi nhọn của Mỹ.

Tên lửa Agni-V nếu được đưa vào biên chế, quân đội Ấn Độ sẽ đưa toàn bộ khu vực Châu Á, 70% khu vực Châu Âu và các khu vực khác vào tầm tấn công của nó. Việc Ấn Độ sắp sở hữu tên lửa có tầm bắn bao phủ toàn bộ đất nước Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh lo ngại. Rõ ràng, với tên lửa Agni-V có đặc tính linh hoạt khi tác chiến và phạm vi tấn công rộng như vậy, khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ đã tăng đáng kể.

Ngoài ra, tên lửa Agni-V sẽ giúp đưa Ấn Độ tham gia vào câu lạc bộ các nước sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đến nay, thành viên của câu lạc bộ này mới chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.

Chưa dừng lại ở việc phát triển tên lửa Agni-V, Ấn Độ còn đang bắt tay vào việc thiết kế và phát triển một phiên bản mới thuộc họ Agni là Agni VI. Agni VI sẽ có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm lên đến 10.000 km.

Với những bước phát triển như trên, nền công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ rõ ràng đang có những bước tiến vượt bậc, khiến thế giới phải kinh ngạc, đặc biệt là Trung Quốc. Giờ đây, Ấn Độ đã có thể tự chế tạo được nhiều các trang thiết bị vũ khí mới mà không cần phải mua của nước ngoài. Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng một quân đội hùng mạnh. Không chỉ tự sản xuất vũ khí, Ấn Độ còn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay. Ấn Độ còn bắt tay với Nga - một trong hai siêu cường vũ khí hàng đầu của thế giới, trong một loạt dự án phát triển vũ khí tối tân, thiện chiến. Đến nay, Ấn Độ được đánh giá là một trong những cường quốc vũ khí hàng đầu của thế giới.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc