Nga bất ngờ bị đối thủ đáng gờm đe dọa

17:05, 25/11/2016
|

(VnMedia) - Nhật Bản thề sẽ trả đũa sau khi Nga triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm trên quần đảo tranh chấp giữa hai nước ở Thái Bình Dương. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Moscow vừa thử thành công các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được dùng cho chương trình “tàu hỏa hạt nhân” của nước này.

Quần đảo Kuril - nơi chứng kiến cuộc tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản
Quần đảo Kuril - nơi chứng kiến cuộc tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản

Lực lượng Vũ trang Nga tuần này thông báo, các hệ thống tên lửa chống hạm Bastion và Bal của họ đã được triển khai đến quần đảo Kurils ở Thái Bình Dương.

Phản ứng trước thông tin trên, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Tư (23/11) được cho đã tuyên bố: “Chúng tôi xem diễn biến này rất nghiêm trọng, và chúng tôi sẽ đáp trả theo cách tương xứng sau khi nghiên cứu chi tiết”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kishida nói thêm rằng, ông hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc ký một thỏa thuận hòa bình với Moscow trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Nhật Bản vào tháng 12 tới.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói, việc giữa Moscow và Tokyo thiếu một hiệp ước hòa bình là “bất thường”.

Có nhiều cản trở trên con đường Nga và Nhật Bản tìm kiếm một hiệp ước hòa bình. Đó là cuộc tranh chấp lãnh thổ tồn tại bao lâu nay giữa hai nước. Tuy nhiên, Moscow từng nhấn mạnh, đó là hai vấn đề riêng rẽ.

Hôm 23/11, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã phát biểu, Bộ Quốc phòng Nga có cơ sở để triển khai các tên lửa chống hạm đến quần đảo tranh chấp. “Tuy nhiên, đồng thời, từ quan điểm của chúng tôi, điều này không nên gây ảnh hưởng gì đến xu hướng tốt đẹp đang tồn tại trong quan hệ song phương với Tokyo”.

Nga và Nhật Bản từ lâu đã có tranh chấp về quần đảo trên Thái Bình Dương mà Nga gọi là Kuril và Nhật coi là Lãnh thổ Phương Bắc. Cuộc tranh chấp quần đảo Kuril kéo dài cho đến tận ngày nay đã khiến Nga và Nhật Bản chưa thể ký kết được một hiệp ước hòa bình nhằm kết thúc một cách chính thức thế chiến II.

Quần đảo Kuril, nằm ở vùng Sakhalin của Nga, hình thành nên một biển đảo núi lửa kéo dài 1.300 km từ Hokkaido, Nhật Bản, tới Kamchatka, Nga, phân chia biển Okhotsk với Bắc Thái Bình Dương. Có 56 hòn đảo thuộc quần đảo này và rất nhiều các khối đá nhỏ khác. Toàn bộ diện tích trên đảo là 15.600 km2 và dân số là 19.000 người. Nga tuyên bố mọi hòn đảo đều thuộc lãnh thổ Nga, nhưng Nhật Bản cho rằng 4 hòn xa nhất ở phía nam là thuộc nước họ, dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa hai nước.

Trong cuộc chiến Nga - Nhật năm 1904-1905, Nhật chiếm đóng bờ biển Kamchatka nhưng sau đó bị quân Nga đẩy lùi. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Nga cho phép Nhật đánh bắt cá tại vùng biển này theo hiệp định đánh bắt cá Nga - Nhật kéo dài đến năm 1945.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, quân đội Liên Xô giữ kiểm soát toàn bộ quần đảo Kuril nhưng Nhật vẫn đòi quyền sở hữu 4 hòn đảo ở cực nam là Kunashir, Iturup, Shikotan, và Habomai - được gọi chung là Lãnh thổ phương Bắc.

Tranh chấp giữa hai nước đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết. Căng thẳng giữa hai bên bắt đầu leo thang sau chuyến thăm năm 2010 của Tổng thống Nga khi đó là ông Medvedev đến quần đảo Kuril. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Nhà lãnh đạo Nga tới quần đảo tranh chấp.

Sau chuyến thăm, ông Medvedev tuyên bố sẽ chỉ thị quân đội Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Kuril. Đáp lại, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Naoto Kan đã lên án mạnh mẽ chuyến thăm của Tổng thống Nga.

Kể từ sau sự kiện trên, Nga, Nhật thỉnh thoảng lại có những bước đi quân sự nhằm thị uy nhau ở vùng tranh chấp này.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc