Trung Quốc "nơm nớp" trong vòng vây tên lửa dày đặc của láng giềng

16:54, 26/09/2016
|

(VnMedia) - Trung Quốc đang đứng ngồi không yên vì lo lắng trước kế hoạch dàn tên lửa thiện chiến ở khu vực biên giới của Ấn Độ và Hàn Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ấn Độ dàn hơn 100 tên lửa ở biên giới

Chính sách đối ngoại cứng rắn của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi cùng với kế hoạch mua sắm vũ khí rầm rộ của nước này đã khiến Bắc Kinh đang phải dõi theo khu vực biên giới phía nam với một sự lo lắng cao độ.

Quân đội Ấn Độ vừa triển khai trung đoàn thứ 4 trong 100 tên lửa BrahMos và 5 bệ phóng tên lửa tự động ở bang đông bắc Arunachal Pradesh, gần sát với biên giới Trung Quốc. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đang căng thẳng vì tranh chấp biên giới cũng như vì cam kết hậu thuẫn của Trung Quốc đối với Pakistan - đồng minh lâu năm của Trung Quốc nhưng là “kẻ thù không đội trời chung” của Ấn Độ.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) ngay lập tức lên án hoạt động triển khai trên, miêu tả đó là một mối đe dọa và nói rằng nó sẽ làm gia tăng nguy cơ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài giữa hai nước Trung-Ấn.

Tên lửa BrahMos "với những năng lực được nâng cấp về tàng hình và chiến tranh trên núi có thể đe dọa hai tỉnh Yunnan và Tibet nằm ở biên giới với Arunachal Pradesh", Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã cho biết như vậy trong một tuyên bố. Trong khi đó, một tờ báo chính thống của Trung Quốc đăng bài xã luận cho rằng, động thái của New Delhi “vượt xa nhu cầu phòng thủ thông thường của” nước này đồng thời cảnh báo “nếu Ấn Độ định chơi trò gì đó với Trung Quốc thì nước này sẽ hứng chịu hậu quả”.

Tên lửa BrahMos là một loại vũ khí do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển. Chương trình tên lửa BrahMos là một liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ với Công ty NPO Mashinostroeyenia của Nga. Tên lửa BrahMos được đánh giá là một trong những tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn nhanh nhất thế giới.

Tên lửa BrahMos có tầm bắn khoảng 290 km và có thể mang tới 300 kg đầu đạn thông thường. Tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa là 2,8 Mach, nhanh gấp 3 lần so với tên lửa hành trình siêu thanh Tomahawk của Mỹ. Tên lửa BrahMos được thiết kế dựa trên phiên bản tên lửa 3M55 Yakhont (SS-N-26) của Nga.

Trung Quốc dường như ít lo ngại về tầm bắn tối đa hiện giờ của tên lửa BrahMos nhưng lại quan ngại sâu sắc về những cải tiến nhất định liên quan đến khả năng tàng hình và tác chiến trên núi của loại tên lửa này.

Kế hoạch THAAD không thể đảo ngược

Chưa hết lo ngại về động thái của nước láng giềng phía nam, Trung Quốc lại nhận được tin không vui từ Mỹ và Hàn Quốc. Theo đó, Washington tuyên bố kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tối tân THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc – một nước láng giềng của Trung Quốc là không thể đảo ngược.

Bất chấp những quan ngại mà Trung Quốc và Nga liên tục đưa ra trong thời gian vừa qua, một quan chức Mỹ vừa mới đây tuyên bố, Washington và Seoul đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc và kế hoạch này giờ đây là không thể đảo ngược.

Hệ thống THAAD được dự kiến sẽ được triển khai trên đất Hàn Quốc vào cuối năm 2017 như một phần của kế hoạch đối phó với các tên lửa hạt nhân của Triều Tiên mà Bình Nhưỡng gần đây liên tiếp tiến hành thử nghiệm.

Kế hoạch THAAD đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh bởi cường quốc Châu Á tin rằng, đó là biện pháp để Washington kiềm chế họ thay vì là để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong thời gian qua. Những lời cảnh báo, đe dọa của Bắc Kinh và cả Moscow cũng không khiến Seoul nao núng.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc