(VnMedia) - Đó là lời cảnh báo vừa được một vị tướng 4 sao của Mỹ đưa ra nhằm nhắc nhở Mỹ, Canada và Châu Âu về sức mạnh quân sự ngày một gia tăng của Nga.
Ảnh minh họa |
Tướng 4 sao về hưu của Mỹ Philip Breedlove – người vốn nổi tiếng về lập trường thù địch với Nga, hồi cuối tuần đã cảnh báo rằng, phương Tây đã quá xem nhẹ những bước tiến trong cuộc cách mạng quân sự của Nga và hầu như không được chuẩn bị gì cho một cuộc xung đột nếu nó xảy ra.
Tướng Breedlove đã nhắc nhở Mỹ, Canada và Châu Âu về sự vượt trội quân sự ngày càng đang gia tăng của Nga. Theo lời ông này, nếu Chiến tranh Thế giới thứ III nổ ra vào ngày mai, Châu Âu sẽ bị bóp chết nhanh chóng trước khi quân tiếp viện của Mỹ có thể đến cứu và rằng, các phi đội tinh nhuệ của Nga có thể giáng cho Mỹ những đòn choáng váng.
Ông Breedlove – người gần đây vừa nghỉ hưu sau một thời gian dài nắm giữ chức Chỉ huy Lực lượng liên quân Tối cao của NATO, đã chỉ trích gay gắt liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương về việc thiếu sự chuẩn bị để đối phó với cuộc cách mạng quân sự nhanh chóng của Nga – một cuộc cách mạng giúp cho sức mạnh hải quân và không quân của Nga đang gia tăng mạnh mẽ. Lời cảnh báo của ông Breedlove được đưa ra trong bối cảnh phương Tây vẫn hoàn toàn chưa thể chống lại những vũ khí siêu âm thế hệ mới của Nga.
"Khả năng của Mỹ trong việc băng qua Đại Tây Dương mà không bị ngăn trở để tham gia vào một cuộc chiến ở Châu Âu, tôi cho rằng, đã là điều chỉ còn trong quá khứ", Tướng về hưu của Mỹ cho biết, nhấn mạnh rằng Nga có thể chặn hạm đội của Hải quân Mỹ. Việc Mỹ có thể hoạt động tự do mà không bị ngăn trở ở Đại Tây Dương lâu nay vốn là trọng tâm trong chiến lược phòng thủ của Mỹ và NATO.
"Chúng ta cần nghĩ về khả năng tự bảo vệ năng lực của mình trong việc tăng cường sự phòng thủ cho Châu Âu. Tôi cho rằng, tùy vào thời gian và không gian do Nga lựa chọn, họ có thể làm những điều rất đáng sợ với chúng ta và chúng ta cần phải có khả năng đảm bảo năng lực của mình”.
Những lời cảnh báo trên được ông Breedlove sau khi một cựu quan chức quân sự của Anh cũng đưa ra lời nhắc nhở tương tự. Tuần trước, ông Richard Barrons – cựu lãnh đạo Bộ Chỉ huy Liên quân Anh, đã cảnh báo, “Nga có thể sử dụng các lực lượng nhỏ hơn để tấn công NATO theo cách mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương bị đẩy vào tình thế bị động bởi không chuẩn bị bất kỳ kế hoạch nào để phản công. Tôi cho rằng, nhiều người đã không còn nhận thức được thế nào là một lực lượng quân sự đáng tin cậy và nó cần thiết như thế nào".
Những phát biểu trên phản ánh đúng bản chất mối quan hệ đang xấu đi giữa Nga và NATO cũng như mối nghi kỵ, hoài nghi sâu sắc lẫn nhau giữa hai bên.
Quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
NATO được cho là cũng thổi phồng về cái gọi là mối đe dọa mang tên Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga lo ngại, lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Các nước này còn ra sức kêu gọi NATO triển khai sự hiện diện quân sự lâu dài và cố định trên lãnh thổ của họ với niềm tin rằng, điều đó sẽ thể hiện cam kết của liên minh với an ninh của họ và đó sẽ là một sự răn đe đối với Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.
Những bước đi trên của NATO vấp phải phản ứng mạnh mẽ và dữ dội của Nga. Moscow cũng tiến hành nhiều biện pháp quân sự để đáp trả và đối phó.
Lời cảnh báo mới nhất của Tướng Breedlove có thể là cái cớ để phương Tây tăng chi tiêu quân sự khi mà NATO trong những năm gần đây liên tục dùng cái gọi là mối đe dọa từ Nga để yêu cầu các nước thành viên đóng góp nhiều nguồn lực hơn cho liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Tổng thống Putin từng bác bỏ quan niệm cho rằng Moscow có ý định thù địch với Châu Âu hay bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào, nói rằng, “tôi nghĩ chỉ có những kẻ điên hay chỉ có trong giấc mơ, người ta mới có thể tưởng tượng ra chuyện Nga đột nhiên tấn công NATO”.
Theo lời ông chủ điện Kremlin, “một số nước chỉ đơn giản là đang muốn lợi dụng nỗi lo sợ liên quan đến Nga. Họ chỉ muốn được đóng vai trò của các nước ở tuyến đầu để có thể nhận được viện trợ quân sự, kinh tế và tài chính”.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc