(VnMedia) - Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/8 bất ngờ nhảy vào chiến trường Syria đã khiến cả Nga và Mỹ đều “toát mồ hôi” vì lo sợ bởi đây là thế lực có thể khiến mọi tính toán của hai cường quốc hàng đầu thế giới đảo lộn.
Ảnh minh họa |
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã can dự vào cuộc chiến ở nước láng giềng Syria với sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho phe đối lập. Mục tiêu của Ankara là muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang một giai đoạn bước ngoặt khi ngày 24/8 vừa rồi, nước này đã rầm rập đưa xe tăng, chiến đấu cơ cùng lực lượng đặc nhiệm tiến vào lãnh thổ Syria trong một chiến dịch quân sự mà Ankara tuyên bố là nhằm để tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Việc Ankara chính thức tham chiến ở Syria đã khiến cho cuộc khủng hoảng phức tạp, rắc rối và đầy bế tắc ở quốc gia Trung Đông thêm phần thách thức hơn. Cuộc chiến ở Syria ngay từ khi nổ ra cách đây hơn 5 năm đã là một cuộc chiến “rối như tơ vò” khi có quá nhiều thành phần dính líu vào đây và mỗi bên lại có một mục đích, lợi ích khác nhau.
Chiến trường Syria không chỉ là nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy mà còn là nơi chứng kiến cuộc tranh giành ảnh hưởng, lợi ích của các cường quốc trên thế giới nói chung và các cường quốc trong khu vực nói riêng. Nếu như Nga ủng hộ mạnh mẽ cho đồng minh Assad thì Mỹ cùng các cường quốc phương Tây lại ra sức hậu thuẫn cho phe đối lập Syria và theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Assad.
Trong khuôn khổ khu vực, cuộc chiến ở Syria cũng là nơi chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa các nước và các lực lượng khác nhau ở Trung Đông như Iran, Ả-rập Xê-út và các đồng minh vùng Vịnh, nhóm Hezbollah, các nhóm Hồi giáo, lực lượng người Kurd.... Trong lúc tình hình Syria rối ren, tổ chức khủng bố khét tiếng tàn độc IS đã có cơ hội nổi lên, reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới. Và chỉ trong một thời gian ngắn, IS trở thành một “người chơi” chính trên chiến trường Syria.
Bước vào chiến trường Syria với những tính toán riêng, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho viễn cảnh tìm kiếm một giải pháp tháo gỡ cuộc chiến ở nơi đây trở nên ngày một khó khăn.
Chiến dịch “Lá chắn Sông Euphrates” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dù được tuyên bố là nhằm vào mục tiêu IS nhưng trên thực tế đây chỉ là vỏ bọc để Ankara chĩa mũi tấn công vào lực lượng mà họ coi là kẻ thù số 1 của mình. Đó là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – một liên quân có Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) đóng vai trò chủ chốt. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhánh của Đảng Lao động người Kurd (PKK) – nhóm nổi dậy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đấu tranh đòi ly khai. Chính vì thế, Ankara liệt YPG là “một nhóm khủng bố” và là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã “đứng ngồi không yên” khi chứng kiến YPG dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã liên tiếp đánh chiếm được hàng loạt khu vực lãnh thổ ở dọc biên giới. Ankara lo sợ, sự bành trướng lãnh thổ của YPG sẽ mở đường cho PKK đòi quyền tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì thế, Ankara đã phát động chiến dịch Lá chắn Sông Euphrates để chặn đứng bước tiến mạnh mẽ của đội quân YPG.
Chiến dịch của Ankara đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc giữa nước này với đồng minh Mỹ bởi lâu nay chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn coi YPG là một lực lượng chủ lực trong liên quân chống IS và YPG đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ.
Washington đã lên tiếng phản đối các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào YPG. Tuy nhiên, họ đã vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ của Ankara. Thông qua hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này muốn đồng minh Mỹ phải lựa chọn hoặc là Ankara hoặc là YPG.
Tất cả những diễn biến trên cho thấy, chiến lược của Mỹ trên chiến trường Syria đã bị đồng minh Ankara phá vỡ. Washington định dựa vào cả Thổ Nhĩ Kỳ và YPG làm nòng cốt trong liên minh chống IS nhưng vì mâu thuẫn lợi ích đã khiến liên minh này không thể hoạt động hiệu quả. Mục tiêu chống IS của Mỹ vì thế sẽ trở nên khó khăn hơn. Mỹ được tin sẽ phải nhượng bộ với Thổ Nhĩ Kỳ vì tầm quan trọng của nước này.
Về phần mình, Nga cũng lo lắng trước sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào chiến trường Syria bởi điều này có thể ảnh hưởng đến chính quyền Tổng thống Assad - một đồng minh quan trọng của Moscow. Hơn nữa, chiến dịch của Ankara có thể kéo Mỹ về lại gần Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, tiến trình khôi phục quan hệ Ankara-Moscow vừa được khởi động có thể sẽ lại gặp trục trặc.
Những mâu thuẫn lợi ích chằng chéo giữa Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nếu không được giải quyết đúng đắn thì những người chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là dân thường Syria trong khi lực lượng được hưởng lợi lại chính là IS - nhóm khủng bố mà nước nào cũng tuyên bố muốn tiêu diệt.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc