(VnMedia) - Tờ Washington Post của Mỹ vừa đăng tải một bài viết trong đó tung ra cảnh báo gây giật mình về “đòn bất ngờ tháng 10” từ điện Kremlin. Tờ Sputnik của Nga bình luận, bài báo này là một ví dụ thêm nữa về nỗ lực thường ngày của Washington trong việc đổ lỗi những thất bại chính trị của nước này cho Nga.
Tổng thống Putin |
Khi WikiLeaks công bố những bức email nội bộ từ Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ hồi đầu năm nay, phản ứng đầu tiên của báo chí Mỹ là đổ lỗi cho các hacker Nga thay vì tập trung vào nội dung của các tài liệu bị tiết lộ. Những bức email trên cho thấy, DNC đã tích cực tìm cách đảm bảo rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton giành chiến thắng trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.
Không có bằng chứng chứng tỏ chính phủ Nga liên quan đến vụ việc nhưng mỗi khi có vụ xâm nhập mạng bất hợp pháp nào xảy ra, giới chức Mỹ luôn đổ lỗi cho Moscow. Những lời cáo buộc giả này được lặp đi lặp lại trên truyền thông Mỹ, thậm chí khi giới chức tình báo và các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ đã tranh cãi về điều đó, bài báo của tờ Sputnik cho biết.
Ngày hôm qua (30/8), tờ Washington Post đã cho đăng tải một bài viết có nhan đề “Đòn bất ngờ tháng 10 từ Putin?”, trong đó nói rằng điện Kremlin có thể công bố những thông tin tình báo giả mạo nhằm mục đích bôi nhọ bà Hillary Clinton trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
"Có lẽ, họ sẽ trưng ra thông tin Quỹ Clinton tài trợ cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc họ sẽ công bố thông tin bà Hillary Clinton thừa nhận không quan tâm về những người Mỹ thiệt mạng ở Benghazi. Hoặc có lẽ họ sẽ tung ra thông tin rằng bà Hillary thực sự mất hết chức năng về trí tuệ từ cách đây nhiều năm và đang dựa vào Anthony Weiner để đưa ra mọi quyết định", bài báo trên tờ Washington Post đã viết như vậy.
Bài báo không hề đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho những cáo buộc nói trên mà dường như chỉ dựa vào duy nhất một bài báo khác trên tờ tạp chí Chính sách đối ngoại. Bài báo này nói rằng, các hacker đã tiết lộ tài liệu đã qua chỉnh sửa nhằm tìm cách bôi nhọ Quỹ Xã hội Mở của George Soros. Bài báo này cũng chẳng cung cấp được bằng chứng chứng tỏ chính phủ Nga đứng đằng sau vụ xâm nhập.
Bài viết trên Washington Post cũng dẫn cáo buộc gây tranh cãi của FBI về việc một nhóm hacker của Nga gần đây xâm nhập vào hệ thống thông tin cử tri ở hai bang của Mỹ. Tuy nhiên, theo tờ Spunik, những thông tin đó phần lớn được công khai trên mạng.
Trong thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử quan trọng của Mỹ vào tháng 11 tới, người ta chứng kiến nhiều quan chức Mỹ, thậm chí là cả Tổng thống Obama, cáo buộc Nga tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử này.
Những cáo buộc như vậy chưa hề được kiểm chứng về độ xác thực nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng mỗi lần đến bầu cử Mỹ, quan hệ giữa Nga và Mỹ lại nóng lên.
Kiệt Linh (theo Sputnik)
Ý kiến bạn đọc