(VnMedia) - Chiến đấu cơ tối tân hàng đầu của Không lực Mỹ với đầy những công nghệ, thiết bị điện tử tinh vi – F-22 đã phải đối mặt với một đối thủ xứng tầm khiến cho cỗ máy chiến tranh dũng mãnh không thể cất cánh. Điều bất ngờ nhất chính là về đối thủ khiến F-22 tê liệt. Sẽ khó có thể tin được đó lại là một đàn ong.
Ảnh minh họa |
Chiếc F-22 đóng tại căn cứ Langley-Eustis ở Virginia đã không thể cất cánh trong suốt một ngày do một cuộc tấn công kỳ lạ. Thông thường chúng ta sẽ nghĩ một cuộc tấn công khiến F-22 “đầu hàng” chỉ có thể gây ra do những chiếc máy bay không người lái có sức mạnh khủng khiếp. Tuy nhiên, lần này, đàn ong hàng chục nghìn con đã chứng minh sức mạnh hiệu quả của chúng trong việc làm tê liệt một trong những chiếc chiến đấu cơ uy dũng nhất và được tự hào nhất của siêu cường số 1 thế giới.
Một đàn ong đã quyết định làm tổ ở trong vòi phụt khí xả của chiếc F-22 hồi tháng Sáu. Nhóm bảo dưỡng chiến đấu cơ quyết định không tiêu diệt đàn ong này mà thay vào đó mời một chuyên gia đến để di dời những con vật nhỏ bé đó.
Họ đã mời ông Andy Westrich – một người nuôi ong địa phương và là lính nghỉ hưu của Hải quân Mỹ. Ông Westrich đã đến căn cứ cùng với một bộ dụng cụ và thiết bị để di dời đàn ong. Vị chuyên gia này đã thành công trong việc di chuyển đàn ong từ máy bay vào một cái xô lớn. Tổng trọng lượng của tổ ong gần 4kg, tương đương khoảng 20.000 con ong.
Mặc dù đã được di dời đi, đàn ong hàng chục ngàn con nói trên đã khiến chiến đấu cơ F-22 của Mỹ không thể cất cánh ít nhất trong một ngày.
F-22 là niềm tự hào của người Mỹ bởi nó là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này và nó cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ. F-22 luôn đứng đầu trong danh sách những chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới.
F-22 được xem là loại máy bay chiến đấu tinh vi nhất thế giới với khả năng có một không hai là thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không bị hề hấn gì. F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện xuất sắc một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử. Để đảm bảo tàng hình trước radar đối phương, F-22 giấu kín tên lửa và bom vào khoang trong. Nó gia nhập Không lực Mỹ vào tháng 12/2005.
Luật Mỹ cấm xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình F-22.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc