Trước giờ G: Trung Quốc "nín thở" chờ phán quyết của tòa

08:27, 12/07/2016
|

(VnMedia) - Trung Quốc sẽ đón nhận một tin cực kỳ quan trọng vào chiều ngày hôm nay (12/7) và tin này có thể gây ảnh hưởng toàn diện đến tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Phán quyết này và phản ứng của cả hai bên cũng như các nước có liên quan khác có thể là một trong những diễn biến địa chính trị quan trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, giới chuyên gia quốc tế nhận định. Bắc Kinh không thể không lo ngại về phán quyết sắp tới của PCA bởi giới chuyên gia nhận định gần như chắc chắn yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc sẽ bị bác bỏ.  

Philippines chính thức tung đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough hồi tháng 4 năm 2012. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km nhưng cách khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc đến 1.200km. Sau vụ va chạm, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.

Trước diễn biến trên, vào tháng 1 năm 2013, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.

Trong tài liệu được trình lên tòa, Philippines đã kiện Trung Quốc 15 điểm theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) — một văn bản pháp luật quốc tế được cả Manila và Bắc Kinh phê chuẩn.

Bắc Kinh có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Điều đó được thể hiện thông qua việc nước này đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Tất nhiên là các nước không thể chấp nhận đòi hỏi chủ quyền phi lý trên của Trung Quốc. Manila cuối cùng đã quyết định đưa Bắc Kinh ra tòa để giải quyết tranh chấp.

Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Chính vì thế, Trung Quốc đã nổi khùng lên với hành động quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông của phía Manila. Bắc Kinh đã tìm mọi cách chống phá phiên toàn xét xử của tòa án trọng tài quốc tế đồng thời khăng khăng khẳng định họ sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa án này. Tuy nhiên, mọi việc sẽ không dễ dàng như vậy.

Một phán quyết của tòa án quốc tế chống lại yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ giúp tạo ra khuôn khổ cho một mặt trận đoàn kết, thống nhất chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Điều này khiến Bắc Kinh lo ngại, đứng ngồi không yên. Một phán quyết như trên có thể “đem lại nhiều hy vọng hơn cho Philippines và các nước Châu Á khác đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông", giáo sư chính trị Andrew Scobell thuộc Rand Corp phân tích.

Uy tín trên thế giới của Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn nghiêm trọng nếu nước này được coi là không tuân theo luật pháp quốc tế qua hành động không chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài.

"Sức mạnh của luật pháp quốc tế chủ yếu là về danh tiếng, uy tín và nó được đo bằng tính hợp pháp”, Mira Rapp-Hooper – một chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cho biết.

Có thể nói, rất nhiều nước đang hồi hộp chờ đợi phán quyết về vụ kiện Biển Đông của tòa án trọng tài quốc tế trong chiều ngày hôm nay và chờ xem phản ứng của Trung Quốc đối với một sự kiện được xem là bước ngoặt của luật pháp quốc tế này.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc