(VnMedia) - Trong khi Bắc Kinh và Tokyo đang khẩu chiến nảy lửa với nhau vì cáo buộc chiến đấu cơ Nhật khoá mục tiêu vào máy bay Trung Quốc thì báo chí nhà nước Trung Quốc hung hăng kêu gọi nước này chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc “xung đột quân sự” ở nơi khác - cụ thể ở đây là Biển Đông.
Ảnh minh hoạ |
Đối đầu ở biển Hoa Đông
Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Tokyo thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Cuộc tranh chấp này đã liên tục ở trạng thái nóng bỏng kể từ sau khi chính phủ ở Tokyo hồi tháng 9/2012 quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Bắc Kinh từ những người chủ tư nhân.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền và cả máy bay chiến đấu đến tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhằm thách thức quyền quản lý của Nhật Bản ở đây. Hành động này của Trung Quốc nhiều lần đẩy hai nước Trung-Nhật đến sát bờ vực của một cuộc xung đột.
Trong một cuộc đối đầu mới nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tối ngày 4/7 cáo buộc, các chiến đấu cơ của Nhật Bản đã dùng radar kiểm soát hoả lực để khoá mục tiêu vào hai chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc khi chúng đang làm “nhiệm vụ tuần tra định kỳ” ở Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập trên biển Hoa Đông năm 2013. Vùng nhận diện phòng không này không được các nước chấp nhận.
Phía Nhật Bản thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định không có bất kỳ bằng chứng thực tế nào chứng tỏ Nhật Bản đã có hành động khiêu khích đối với máy bay quân sự Trung Quốc.
Năm 2013, Tokyo từng đòi Bắc Kinh xin lỗi khi tàu khu trục của Trung Quốc khoá mục tiêu vào một tàu khu trục của Nhật Bản ở vùng lãnh hải quốc tế.
Cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã đẩy mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, trước khi hồi phục chút ít vào thời gian gần đây. Dù vậy, quan hệ Trung-Nhật vẫn rất căng thẳng.
Hung hăng ở Biển Đông
Cùng với cuộc tranh chấp nóng bỏng với Nhật Bản, Bắc Kinh cũng đang tranh chấp quyết liệt chủ quyền ở Biển Đông với một loạt các nước láng giềng xung quanh. Điều đáng lo ngại là Trung Quốc đang áp dụng một lập trường ngày càng hung hăng, hiếu chiến.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Khi chỉ còn vài ngày nữa là toà án quốc tế sẽ ra phán quyết về những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này đã có những hành động nhằm doạ dẫm, thị uy. Hôm 5/7, Trung Quốc đã khai hoả cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong một bài xã luận được đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 5/7, tờ báo này đã kêu gọi Trung Quốc tăng cường phát triển năng lực quốc phòng để chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào trên Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết của toà án quốc tế về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng. Tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc nói thêm rằng: “Thật là ngây thơ khi mong chờ Trung Quốc nuốt viên thuốc đắng của sự xúc phạm đó”.
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh không tuân theo phán quyết của toà án quốc tế, điều này sẽ khiến cường quốc Châu Á mất uy tín nghiêm trọng.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc