Mỹ bị dọa "phải trả giá đắt không chịu nổi" ở Biển Đông

08:14, 06/07/2016
|

(VnMedia) - Bắc Kinh phải chuẩn bị để bắt Mỹ “trả một cái giá đắt đến mức không thể chịu nổi” nếu nước này dùng vũ lực can thiệp vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Đây là nội dung của một bài xã luận vừa được đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc. Lời cảnh báo sắc lạnh được đưa ra chỉ vài ngày trước khi tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague đưa ra một phán quyết về cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tờ Thời báo Hoàn cầu nổi tiếng là một tờ báo có những quan điểm, lập trường hung hăng, diều hâu về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tờ báo của nhà nước Trung Quốc này đã nhiều lần kêu gọi chiến tranh hay dùng vũ lực ở Biển Đông.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày hôm qua (5/7), việc Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai hai nhóm tàu sân bay thiện chiến, là hành động thách thức các lợi ích sống còn của Trung Quốc và là “một mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia”. Vì thế, Bắc Kinh nên đẩy nhanh tốc độ phát triển các năng lực răn đe chiến lược để kiềm chế Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu kêu gọi.

“Thậm chí dù Trung Quốc không thể bắt kịp Mỹ về sức mạnh quân sự trong thời gian trước mắt, Trung Quốc cũng có thể khiến Mỹ phải trả một cái giá đắt đến mức không thể chịu nổi nếu can thiệp vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông bằng vũ lực”, bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu đã cảnh báo như vậy.

Tờ báo của Trung Quốc còn nói, nước này “phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào dù là một quốc gia hòa bình luôn hoan nghênh việc tiến hành các cuộc đối thoại về khu vực có tranh chấp”.

Bài xã luận với lời cảnh báo sắc lạnh nói trên được tung ra đúng thời điểm khi chỉ còn vài ngày nữa là tòa án trọng tại quốc tế ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Bắc Kinh coi phán quyết được đưa ra vào ngày 12/7 tới là “một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc”, tờ Thời báo Hoàn cầu tuyên bố đồng thời miêu tả “việc phân xử vụ kiện không là cái gì khác ngoài một trò hề”. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa án này.

Philippines đã quyết định kiện Trung Quốc ra toà án trọng tài quốc tế vào đầu năm 2013 với lý do được tuyên bố rằng, sau 17 năm đổ bao công sức thông qua con đường ngoại giao và chính trị, Manila vẫn không thể giải quyết nổi cuộc tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông nên họ buộc phải đưa mọi việc ra toà án quốc tế. Quyết định này của Philippines được đưa ra sau khi hai bên có cuộc đối đầu gay gắt ở bãi cạn Scarborough với kết quả là Trung Quốc giành quyền kiểm soát khu vực vốn được coi là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.

Hành động của Philippines được cộng đồng quốc tế hoan nghênh bởi trong những năm gần đây Trung Quốc đang gây ra quan ngại đặc biệt về chính sách, lập trường và hành động quyết liệt, hung hăng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh đã lộ rõ tham vọng muốn biến Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên thành “ao nhà” của họ. Điều này không được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Bắc Kinh đã vô cùng tức giận trước bước đi của Manila bởi lâu nay cường quốc hàng đầu Châu Á chỉ muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với từng nước nhỏ một trên cơ sở song phương để dễ bề gây ảnh hưởng theo hướng có lợi cho họ.

Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) - toà án quốc tế lâu dài nhất về việc giải quyết hoà bình các tranh chấp giữa các quốc gia, hôm 29/6 cho biết, họ sẽ đưa ra phán quyết chính thức cho vụ kiện của Philippines vào 4h chiều ngày 12/7 theo giờ Việt Nam. Giới chuyên gia pháp lý nhận định, gần như chắc chắn, PCA sẽ bác bỏ yêu sách chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc. Với yêu sách này, Bắc Kinh đang đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, lấn sâu vào nhiều khu vực vốn thuộc chủ quyền của các nước ven biển khác.

Cảm nhận rõ thế bất lợi của mình, Trung Quốc đã ra sức phá hoại tiến trình pháp lý của phía Philippines. Bắc Kinh đã tìm mọi cách, từ “ve vãn” đến doạ dẫm Manila, để buộc quốc gia Đông Nam Á từ bỏ con đường quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thể làm lay chuyển được ý định của Manila. Trung Quốc tuyên bố không tham gia vào vụ kiện của Philippines cũng như không tuân theo phán quyết của toà. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh không tuân theo phán quyết của toà sẽ khiến uy tín và ảnh hưởng của nước này bị tổn hại nghiêm trọng.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc