(VnMedia) - Phát hiện một chiếc tàu lớn ngoài khơi bờ biển bang Sarawak hồi tháng Ba, các sĩ quan trên tàu tuần tra của Malaysia đã bị sốc khi chiếc tàu này lao vào phía họ với tốc độ cao, kéo còi ing ỏi trước khi ngoặt lái để trưng ra dòng chữ “Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc” rõ nét bên sườn tàu.
Ảnh minh hoạ |
Theo một sĩ quan của Cơ quan Thực thi Pháp luật Hàng hải Malaysia (MMEA), tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc trước đây đã nhiều lần bị phát hiện lượn lờ ở khu vực cụm Bãi cạn Nam Luconia, ngoài khơi thành phố giàu dầu mỏ Miri. Tuy nhiên, một cuộc chạm trán gây sốc như nói trên là lần đầu tiên.
"Đối với tôi, hành động đó giống như một nỗ lực nhằm thẳng về phía tàu của chúng tôi, có thể là để doạ dẫm”, viên sĩ quan giấu tên của Malaysia cho biết đồng thời trưng ra cho phóng viên một đoạn clip về một vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc trước đó.
Bị thôi thúc bởi sự việc mới nhất nói trên cùng sự hiện diện của khoảng 100 tàu đánh cá Trung Quốc ở trong khu vực vào cùng thời điểm, một số người Malaysia đang kêu gọi, thúc đẩy sự phản ứng của nước này đối với nước láng giềng Trung Quốc sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”.
Một bộ trưởng của Malaysia cho rằng, nước này bây giờ cần phải đứng lên chống lại những vụ xâm nhập hàng hải như vậy khi Trung Quốc đang phô trương sức mạnh trên hàng chục những bãi cạn, bãi san hô và đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Malaysia lâu nay vốn thường duy trì một phương pháp tiếp cận “ẩn mình”, không quyết liệt và mạnh mẽ như các nước khác trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi Philippines và Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành động trái phép, hung hăng cũng như tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông thì Malaysia hầu như lặng thinh. Malaysia cùng với Brunei, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, Malaysia đã bắt đầu công khai lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi một tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Malaysia ở phía bắc Borneo.
Trung Quốc bắt đầu bị tố cáo xâm phạm chủ quyền của Malaysia từ hồi tháng 3 năm 2013 khi một đội gồm 4 tàu chiến và các tàu hỗ trợ do tàu đổ bộ Jinggangshan của Trung Quốc dẫn đầu đã tiến hành một chuyến đi biển kéo dài tới 8.000km ở khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Nhóm tàu trên đã đi đến các khu vực theo “đường lưỡi bò” nhằm thể hiện một cách trắng trợn tham vọng chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Cụ thể, đội tàu chiến của Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào bãi cạn James - nơi cách Trung Quốc tới 1.800km và chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km. Bãi cạn James rõ ràng nằm trong thềm lục địa của Malaysia.
Tại bãi cạn James, Trung Quốc còn để các thủy thủ thực hiện lễ tuyên thệ trung thành với đất nước, “bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu xây dựng một đất nước Trung Quốc hùng mạnh”.
Mới đây, hôm 24/3, Bộ trưởng An ninh Malaysia - ông Shahidan Kassim cho biết, khoảng 100 tàu cá của Trung Quốc đã bị phát hiện ồ ạt đổ vào vùng lãnh hải của Malaysia ở gần bãi cạn Luconia thuộc Biển Đông.
Những hành động của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đã khiến Malaysia không thể ngồi yên và buộc phải lên tiếng.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc