NATO lại rầm rộ hô hào chống Nga

16:33, 31/05/2016
|

(VnMedia) - Hội đồng Nghị viện NATO hôm qua (30/5) đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hãy sẵn sàng chuẩn bị để đối phó với “mối đe doạ tiềm tàng” từ sự gây hấn của Nga.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nghị viện NATO đã đồng thuận ra một tuyên bố sau cuộc họp kéo dài 3 ngày ở Tirana, trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw, Ba Lan vào tháng Bảy tới.

"Thách thức từ Nga là có thật và rất nghiêm trọng”, ông Michael Turner – Chủ tịch Nghị viện NATO, phát biểu tại cuộc họp có sự tham dự của khoảng 250 nghị sĩ đến từ 28 nước thành viên NATO này.

Tuyên bố của Hội đồng Nghị viện NATO bày tỏ sự lấy làm tiếc trước việc “Nga dùng vũ lực chống lại các nước láng giềng cũng như tìm cách doạ dẫm các đồng minh của NATO”.

Theo Hội đồng Nghị viện NATO, liên minh này “không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải coi viễn cảnh Nga có hành động gây hấn chống lại một thành viên của NATO như là một mối đe doạ tiềm tàng và từ đó thực thi các biện pháp đáp trả có tính toán và tương xứng”.

Tuyên bố của Nghị viện NATO cũng kêu gọi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương “hãy cung cấp sự bảo đảm” cho các thành viên đang cảm thấy bị đe doạ về an ninh bởi Nga, đặc biệt là các thành viên ở sườn phía đông và phía nam NATO.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Warsaw của Ba Lan sắp tới, lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ chính thức thông qua một kế hoạch cải tổ liên minh, theo hướng triển khai nhiều quân hơn đến lãnh thổ các nước thành viên ở khu vực Đông Âu, coi đó như là một phần của chiến lược “ngăn chặn và đối thoại”.

Trong chuyến thăm đến Ba Lan ngày hôm qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã “góp giọng” thêm vào tuyên bố lập trường của Nghị viện NATO. Theo đó, ông này cho biết, NATO đang “phát đi một thông điệp rõ ràng với bất kỳ đối thủ nào rằng, một cuộc tấn công vào Ba Lan sẽ được xem là một cuộc tấn công nhằm thẳng vào toàn bộ liên minh”.

Cùng với Rumani, Ba Lan đang trở thành mục tiêu của Nga sau khi hai nước này đồng ý cho Mỹ và NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của họ. Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Rumani đã được kích hoạt cách đây không lâu. Trong khi đó, hệ thống ở Ba Lan đang trong quá trình được thiết lập.

NATO khăng khăng cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở hai nước Ba Lan và Rumani hoàn toàn không nhằm vào Nga mà thay vào đó là nhằm để đối phó với các mối đe doạ từ những nước được gọi là “ma quỷ” ở Trung Đông như Iran. Tuy nhiên, Moscow không bị thuyết phục bởi tuyên bố trên.

Nga tin rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO được dựng ngay sát nách họ là để nhằm làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Moscow. Moscow chỉ ra rằng, lá chắn tên lửa của Mỹ ở Rumani và Ba Lan có thể dễ dàng cài đặt lại để thực hiện mục tiêu tấn công.

Tuyên bố của Nghị viện NATO cùng những bước triển khai lá chắn tên lửa và kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của liên minh quân sự phương Tây ở những khu vực xung quanh Nga đang khiến mối quan hệ Nga-NATO trở nên thù địch hơn bao giờ hết. Tổng thống Vladimir Putin mới đây vừa tung ra lời cảnh báo sắc lạnh, theo đó Rumani và Ba Lan chắc chắn sẽ nằm trong tầm ngắm tên lửa của Nga.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên và Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, Rumani và một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.

Trong bản học thuyết hải quân mới nhất vừa được Moscow công bố hồi cuối năm ngoái, NATO được xem là một mối đe dọa lớn đối với Nga do những kế hoạch của NATO trong việc đưa quân và vũ khí quân sự đến sát sườn Nga.

Vân Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc