(VnMedia) - Indonesia dự kiến sẽ mua loạt thủy phi cơ và tàu ngầm của Nga. Đó là thông tin vừa được Đại sứ Indonesia tại Moscow – ông Mohamad Wahid Supriyadi đưa ra hôm qua (30/5).
“Chúng tôi đang có kế hoạch mua thủy phi cơ do Sukhoi phát triển và tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Chúng tôi đang tiến hành đàm phán thương vụ này. Một số chuyên gia Nga sẽ được mời tới Indonesia để thương thảo”, đại sứ cho hay.
Theo đại sứ Indonesia, Jakarta rất quan tâm tới lĩnh vực hợp tác kỹ thuật và quân sự với Nga.
Ông này cho biết, Indonesia dự kiến sẽ mua 2 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Còn loại thủy phi cơ Indonesia muốn nhập của Nga được cho là loại thủy phi cơ Be-200.
Tàu ngầm lớp Kilo là tên định danh của NATO chỉ 1 loại tàu ngầm quân sự chạy bằng diesel-điện cỡ lớn được chế tạo tại Nga. Tên gọi chính thức của Nga đặt của lớp tàu ngầm này là Project 636 (Đề án 636). Phiên bản gốc của những tàu ngầm này được gọi ở Nga là Dự án 877 Paltus (Turbot). Có 1 phiên bản tối tân hơn, được gọi ở phương Tây là Kilo cải tiến và ở Nga là Dự án 636 Varshavyanka.
Tàu được trang bị 18 ngư lôi và 8 tên lửa mặt nước - đối - không. Tàu ngầm Kilo cải tiến được trang bị với 6 ống phóng ngư lôi 533 mm (tàu mang 18 quả ngư lôi hoặc 24 quả mìn). Ngoài ra cũng có thể phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất SS-N-27 Club-S. Để tự phòng thủ, tàu được trang bị biến thể tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Strela-3M hoặc Igla-1.
Tàu ngầm này được đánh giá là “ít tiếng ồn” nhất trên thế giới và sở hữu các tính năng chiến đấu hiệu quả vượt trội so với loạt đồ án trước đây. Bởi vậy, tàu có biệt danh là "hố đen đại dương".
Tàu ngầm này có trọng lượng giãn nước lên tới 2300 tấn, có thể lặn ở độ sâu 300 mét. Tàu có chiều dài 72,6 mét.
Trong khi đó, thủy phi cơ Be-200 có thể mang theo tới 32 tấn nước. Nước có thể được bơm sẵn vào các khoang chứa trên thân máy bay trước khi cất cánh hoặc các khoang hút nước tự động sẽ được mở ra ngay khi máy bay bay trên mặt nước. Be-200 có thể bay với tốc độ lên tới 610 km/giờ với phạm vi hoạt động đạt 3.100 km.
Ban đầu Be-200 được thiết kế nhằm thực hiện nhiệm vụ dập những đám cháy rừng, nhưng sau này nó đã được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ khác như tìm kiếm và cứu nạn… nhờ lắp đặt một số chi tiết mới với chi phí thấp. Be-200 hiện đang tồn tại cả 2 biến thể chở khách và vận tải.
Mẫu thủy phi cơ Be-200 đầu tiên đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm vào tháng 9/1998. Bước sang tháng 10/2010, Be-200 đã có đầy đủ giấy chứng nhận bay theo tiêu chuẩn châu Âu.
Ngoài ra, thủy phi cơ Be-200 còn có thể dễ dàng vận hành từ các sân bay loại B với chiều dài đường băng chỉ 1800m hoặc từ các vùng nước với chiều dài tối thiểu 2300m. Với những khả năng chống ăn mòn đặc biệt, Be-200 có thể vận hành ở ngoài khơi cũng như có thể cất và hạ cánh trên mặt nước với chiều cao của sóng tới 1,3m.
Các chuyên gia hàng đầu trong nghành công nghiệp quốc phòng Nga kỳ vọng thủy phi cơ Be-200 sẽ mang tới những triển vọng to lớn trong một khu vực gồm nhiều quốc gia có đường bờ biển dài và cơ sở hạ tầng mặt đất còn chưa phát triển.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc