Đức sẽ sớm "đầu hàng" trước Nga?

17:30, 30/05/2016
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel là vị quan chức mới nhất trong một loạt các quan chức Đức lên tiếng đòi từ bỏ chính sách trừng phạt đối với Nga. Điều này đã phơi bày ra thực tế ngày càng rõ nét về mâu thuẫn nội bộ trong bản thân từng nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và trong nội bộ giữa các nước với nhau của liên minh trong vấn đề trừng phạt Nga.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tham dự hội chợ Ngày Nga ở Rostock hồi giữa tuần trước, ông Gabriel đã không ngần ngại công khai kêu gọi Đức xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, đài truyền hình ZDF của Đức đưa tin.

Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Các vấn đề Kinh tế Đức – ông Sigmar Gabriel đã góp chung tiếng nói trong “dàn đồng ca” của những quan chức và giới phân tích ở Đức lên tiếng gần đây đòi thiết lập trở lại mối quan hệ tốt đẹp với Nga, trong đó có việc bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đài truyền hình ZDF cho biết.

"Các biện pháp trừng phạt vẫn đang gây ảnh hưởng, cản trở đến mối quan hệ kinh tế giữa Đức và Nga. Tuy nhiên, trong Ngày Nga ở Rostock, có một điều có thể thấy rõ ràng là cả hai bên đều đang hết sức mong ngóng loại bỏ chướng ngại vật đó, ít nhất là dỡ bỏ dần dần”, ZDF cho hay.

Những phát biểu trên được ông Gabriel đưa ra tại ngày thứ hai của hội chợ Ngày Nga – một sự kiện có sự tham dự của 600 đại diện đến từ các công ty của Nga và Đức. Hội chợ này được tổ chức ở bang Mecklenburg-Vorpommern, phía bắc nước Đức hồi tuần trước.

"Tất cả chúng ta, từ kinh nghiệm của mình, đều biết rằng, rốt cục, sự cô lập cũng chẳng đem lại điều gì. Cuối cùng, chỉ có đối thoại mới có thể có ích”, Phó Thủ tướng Gabriel cho biết đồng thời thẳng thừng chỉ trích việc EU cứ khăng khăng đòi gắn những biện pháp trừng phạt với việc thực hiện thoả thuận hoà bình Minsk.

Người đứng đầu bang Mecklenburg-Vorpommern - ông Erwin Sellering cũng cho biết, ông mong chờ việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga - những biện pháp đang ảnh hưởng rất xấu đến các nhà sản xuất Đức. Năm ngoái, xuất khẩu của Đức sang Nga đạt 21,8 tỉ euro, giảm 40% so với năm 2013.

"Chúng tôi đang sốt ruột chờ đợi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ để chúng ta có thể tái thiết lập lại mối quan hệ kinh tế như trước đây”, ông Sellering không giấu diếm cho biết.

Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cũng là một vị khách tại hội chợ. Ông Manturov cũng nhất trí rằng, việc dỡ bỏ chính sách trừng phạt sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

"Khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, Nga và Đức sẽ có thêm các khoản đầu tư và thương mại song phương sẽ gia tăng. Tất nhiên, rất nhiều thứ phụ thuộc vào các nhân tố khác như giá dầu mỏ, khí đốt nhưng nói chung sẽ có một ảnh hưởng tích cực từ việc chấm dứt chính sách trừng phạt”, ông Manturov cho hay.

Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel và ông Erwin Sellering là những chính khách mới nhất trong hàng loạt giới quan chức và các nhà phân tích lên tiếng phản đối việc Đức cũng như EU tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt Nga.

Mặc dù Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây vẫn còn lên tiếng khẳng định việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga có liên quan trực tiếp đến vấn đề thực hiện thoả thuận ngừng bắn Minsk, chính phủ Đức được cho vẫn đang cân nhắc kế hoạch nới lỏng gần các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

Theo tờ Spiegel, Berlin đang tính chuyện dần dần nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga để đổi lấy sự hợp tác của Moscow trong việc thực hiện một số phần trong thoả thuận Minsk, trong đó có việc tổ chức bầu cử ở miền đông Ukraine. Kế hoạch này được bà Merkel ủng hộ, tờ Spiegel hồi cuối tuần cho biết.

Kế hoạch mới nói trên của Đức dường như đi ngược lại với lập trường hiện tại của EU bởi liên minh này trong thời gian qua vẫn khăng khăng tuyên bố, chỉ khi Moscow thực hiện đầy đủ các thoả thuận Minsk thì chính sách trừng phạt mới được dỡ bỏ.

Đức không phải là nước đầu tiên bộc lộ mâu thuẫn nội bộ trong vấn đề trừng phạt Nga. Trước đó, Quốc hội Pháp từng bỏ phiếu thông qua một dự luật đề nghị huỷ bỏ chính sách trừng phạt Nga.

Không chỉ nội bộ các nước chia rẽ sâu sắc về chính sách hiện nay đối với Nga, giữa các nước trong Liên minh Châu Âu cũng đang đối đầu nhau gay gắt về vấn đề này. Nhiều nước đang muốn nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga trong khi một số nước vẫn muốn tiếp tục duy trì chính sách này.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Chính sách trừng phạt Nga của phương Tây đến nay chẳng có hiệu quả gì vì nó không những không đạt được mục đích là làm thay đổi lập trường của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn gây tổn thất cho chính các nước đang thực thi chính sách này.

Vân Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc