(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét khả năng xây dựng một căn cứ mới cho các đơn vị của Hạm đội Thái Bình Dương trên đảo Matua thuộc quần đảo Kurils.
Tư lệnh Quân khu miền Đông, Đại tướng Sergei Surovikin hôm nay (27/5) cho biết, quân đội Nga và Hiệp hội Địa lý nước này hiện đang tiến hành một cuộc thám hiểm chung ở quần đảo Kurils. Cuộc thám hiểm này có sự tham gia của 6 con tàu và hơn 200 người.
Ông Surovikin cho biết tại một cuộc họp với các các lãnh đạo cấp cao của quân khu rằng: "Mục đích chính của cuộc thám hiểm là nghiên cứu xem liệu khu vực này có đủ khả năng để đặt căn cứ mới cho Hạm đội Thái Bình Dương tại đây hay không".
Nga và Nhật Bản từ lâu đã có tranh chấp đối với quần đảo trên Thái Bình Dương mà Nga gọi là Kurils và Nhật coi là Lãnh thổ Phương Bắc này.
Quần đảo Kurils, nằm ở vùng Sakhalin của Nga, hình thành nên một biển đảo núi lửa kéo dài 1.300 km từ Hokkaidō, Nhật Bản, tới Kamchatka, Nga, phân chia biển Okhotsk với Bắc Thái Bình Dương.
Có 56 hòn đảo thuộc quần đảo này và rất nhiều các khối đá nhỏ khác. Toàn bộ diện tích trên đảo là 15.600 km2 và dân số là 19.000 người.
Nga tuyên bố mọi hòn đảo đều thuộc lãnh thổ Nga, nhưng Nhật Bản cho rằng 4 hòn xa nhất ở phía nam là thuộc nước họ, dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa hai nước.
Quần đảo Kuril nằm giữa vùng nước có cuộc sống hải hương dồi dào và phong phú bậc nhất Thái Bình Dương.
Trong cuộc chiến Nga - Nhật năm 1904-1905, Nhật chiếm đóng bờ biển Kamchatka nhưng sau đó bị quân Nga đẩy lùi. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Nga cho phép Nhật đánh bắt cá tại vùng biển này theo hiệp định đánh bắt cá Nga - Nhật kéo dài đến năm 1945.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, quân đội Liên Xô giữ kiểm soát toàn bộ quần đảo Kurils nhưng Nhật vẫn đòi quyền sở hữu 4 hòn đảo ở cực nam là Kunashir, Iturup, Shikotan, và Habomai - được gọi chung là Lãnh thổ phương Bắc.
Đến năm 2003, khoảng 16.800 người (dân tộc Nga, Ukraina, Belarus, Tatar, Nivkhs, Oroch) đến sống tại quần đảo Kurils. Khoảng một nửa sống trong tình trạng nghèo đói. Đánh bắt cá là nghề kiếm ăn chính ở đây. Quần đảo có giá trị kinh tế chiến lược về nghề cá và khai thác khoáng sản.
Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng kinh tế của Nga đã lan tới Kurils. Dấu hiệu cải thiện rõ nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Các công nhân đang nỗ lực xây dựng một cầu cảng và một đê chắn sóng ở vịnh Kitovy.
Để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng, chính quyền địa phương cũng cải tiến nhà máy nhiệt điện ở núi Baransky, nơi có nhiều suối nước nóng.
Hiệp ước hòa bình San Francisco giữa các lực lượng đồng mình và Nhật Bản năm 1951 nói rằng Nhật Bản phải từ bỏ quyền sở hữu các hòn đảo Kurils, nhưng cũng không công nhận chủ quyền của Liên bang Xô Viết đối với quần đảo Kurils.
Tranh chấp chủ quyền nhóm đảo giữa Nga và Nhật khiến hai nước không thể ký hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc tình trạng đối đầu trong Thế chiến II.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc