(VnMedia) - Bất chấp những nỗ lực và thậm chí là sự thoả hiệp của cả hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ, tiến trình đàm phán hoà bình ở Syria vẫn đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.
Ảnh minh hoạ |
Tiến trình đàm phán hoà bình Syria mới nhất diễn ra ở Geneva trong những ngày vừa qua đã được khởi động trong niềm mong mỏi rất lớn, bởi lần đầu tiên Nga và Mỹ tìm được tiếng nói chung với nhau và lần đầu tiên hai cường quốc thế giới thể hiện quyết tâm cao trong việc tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng đã bước vào năm thứ sáu ở Syria.
Tuy nhiên, hy vọng vừa loé lên đã nhanh chóng bị dập tắt. Dù cho Nga và Mỹ đã thoả hiệp với nhau thì những diễn biến trên trên chiến trường và nút thắt không thể tháo gỡ giữa các phe nhóm tham gia đàm phán ở Geneva đã khiến cho viễn cảnh chấm dứt cuộc chiến khốc liệt ở Syria lại tiếp tục ngày càng lùi xa.
Bạo lực lại trỗi dậy
Hôm 19/4, các đại diện của một phe đối lập chính ở Syria - Uỷ ban Đàm phán Cấp cao đã lần lượt rời khỏi Geneva sau khi xảy ra một loạt cuộc giao tranh mới giữa quân chính phủ của Tổng thống Assad và phe nổi dậy, đặc biệt là sau hai cuộc không kích nhằm vào các khu chợ ở phía tây nam đất nước, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng. Phe đối lập Syria tuyên bố, họ không thể tiếp tục tham gia tiến trình đàm phán hoà bình trong khi mỗi ngày đều có dân thường thiệt mạng.
Thoả thuận ngừng bắn ở Syria do Nga và Mỹ đạt được và có hiệu lực từ ngày 27/2 ban đầu đã giúp giảm đáng kể các vụ bạo lực. Tuy nhiên, từ đầu tháng Tư trở lại đây, mọi việc bắt đầu đảo chiều theo hướng xấu đi. Tình trạng giao tranh, đụng độ leo thang từng ngày. Cũng như mọi lần trước đó, cả quân chính phủ Syria và phe nổi dậy Syria đều đổ lỗi cho nhau về những vụ bạo lực này. Chưa kể, quân chính phủ và phe nổi dậy tiếp tục tấn công mạnh mẽ các tổ chức khủng bố, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cuộc chiến rộ lên ở khắp nơi trên đất nước Syria đã gây ra nguy cơ đe doạ thoả thuận ngừng bắn mong manh đang được chính phủ và phe nổi dậy thực hiện. Thoả thuận này không áp dụng với các nhóm khủng bố như IS, Mặt trận Nusra.
Cao điểm của tình trạng bạo lực gia tăng là vụ không kích nhằm vào một khu chợ ở thành phố Maaret al-Numan, cướp đi sinh mạng của ít nhất 37 dân thường. Đây được xem là vụ tấn công đơn lẻ đẫm máu nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn mới nhất được thực thi. Vụ việc này được xem như “giọt nước làm tràn ly”, thúc đẩy phe đối lập Syria quyết định ngừng tham gia tiến trình hoà bình và rời Geneva.
Điều phối viên của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao Syria - ông Riyad Hijab cho biết, ông cùng các thành viên khác trong đoàn đã bắt đầu rời Geneva từ ngày 19/4.
Như vậy, vòng đàm phán hoà bình mới nhất của Syria lại rơi vào vết xe đổ của những vòng đàm phán trước đó, tiếp tục đổ vỡ.
Bế tắc trên bàn đàm phán
Nếu nói tiến trình đàm phán mới nhất bị đổ vỡ là do tình trạng leo thang chiến sự trên chiến trường thì hoàn toàn chưa đầy đủ. Thực chất, nguyên nhân sâu xa hơn nữa là các phe nhóm đối lập ở Syria vẫn chưa thể thoát ra khỏi được sự bế tắc luẩn quẩn xoay quanh tương lai số phận của Tổng thống Assad.
Tất cả những vòng đàm phán hoà bình trước đó về Syria đều có chung một mẫu số là sự thất bại và nguyên nhân đều xuất phán từ bất đồng không thể giải quyết liên quan đến việc ông Assad tiếp tục có mặt trong bộ máy chính quyền của Syria hay không. Không chỉ hai phe đối địch ở Syria mà ngay cả Nga và Mỹ cũng đối đầu nhau gay gắt về vấn đề này. Nếu như Mỹ và phe đối lập Syria kiên quyết đòi ông Assad phải ra đi thì Nga và chính quyền Syria khăng khăng đòi bảo vệ ông này. Trong bối cảnh như này, thất bại là điều được báo trước!
Tuy nhiên, ở vòng đàm phán mới nhất lần này, hy vọng được nhen nhóm khi Mỹ và các đồng minh đã nhượng bộ với Nga về số phận của Tổng thống Assad bởi họ muốn tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống IS. Nhưng không phải Nga, Mỹ muốn là được bởi bất chấp sự thoả hiệp giữa họ, phe đối lập Syria và đại diện chính quyền Assad vẫn không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề liên quan đến tương lai chính trị của Nhà lãnh đạo Syria.
Phe đối lập tiếp tục khẳng định, sẽ không thể có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria chừng nào ông Assad còn làm tổng thống. Trong khi đó, phía chính quyền của Tổng thống Assad cũng nhắc lại rằng, số phận của ông Assad không phải là điều được đưa ra bàn đến trong tiến trình đàm phán ở Geneva.
Chiến trường không thể dẹp yên, bế tắc trên bàn đàm phán không thể gỡ bỏ, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria được cho là còn lâu mới có thể tìm được lối thoát. Trong bối cảnh như vậy, chỉ có những người dân thường ở Syria là phải hứng chịu đủ, từ nguy cơ về cái chết cận kề đến những khó khăn bủa vây “tứ bề” trong cuộc sống thường nhật của họ.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc