(VnMedia) - “Đại bàng” Mỹ tiếp tục có hành động thách thức, trêu ngươi “gấu” Nga khi ngày hôm qua (27/4), hai chiếc chiến đấu cơ tàng hình thiện chiến nhất của họ tiếp tục vờn lượn ngay sát nách quốc gia này. Hành động có tính chất “hù doạ”, răn đe của Washington chắc chắn sẽ khiến Moscow không thể không cảm thấy lo ngại, bất an.
F-22 |
Hai chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Mỹ hôm qua đã tung cánh trên bầu trời Lithuania trước khi hạ cánh tại căn cứ không quân Siauliai của quốc gia Đông Âu này.
Cách đó 2 ngày, hôm 25/4, hai chiếc F-22 đã lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời ở Biển Đen. Chúng đã cùng với một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 của Mỹ xuất phát từ Anh và hướng thẳng đến căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu của Rumani ở Biển Đen.
F-22 là thứ vũ khí quý giá hàng đầu của Mỹ, đến mức nước này ra luật cấm xuất khẩu loại chiến đấu cơ tàng hình này. F-22 hiện là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này. F-22 luôn đứng đầu trong danh sách những chiếc máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới.
F-22 sở hữu khả năng có một không hai là thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không bị hề hấn gì. Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ sở hữu công nghệ tàng hình tinh vi nhất thế giới. Khả năng tàng hình của F-22 vượt trội hơn bất kỳ loại chiến đấu cơ tối tân nào khác trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định, khả năng tàng hình của F-22 tinh vi đến mức nó hầu như không thể bị phát hiện bởi các hệ thống radar.
F-22 Raptor còn đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện xuất sắc một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử.
Chiến đấu cơ F-22 chính thức gia nhập vào Lực lượng Không quân Mỹ từ tháng 12/2005.
Sự kiện Mỹ đưa F-22 đến Đông Âu đánh dấu một bước leo thang mới trong hành động quân sự của nước này ở khu vực trong bối cảnh Nga và Mỹ đang đối đầu nhau gay gắt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Dù không thừa nhận nhưng rõ ràng sự xuất hiện của F-22 của Mỹ tại hai nước thành viên NATO ở Đông Âu được xem là một thông điệp cảnh báo cứng rắn mà Washington muốn gửi đến Moscow. Trong nhiều tháng qua, Mỹ cùng NATO luôn rêu rao về cái gọi là mối đe doạ Nga đối với các nước láng giềng cũng như về sự cần thiết của việc liên minh của họ phải tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với Nga. Chính vì thế, việc Mỹ tung ra vũ khí bảo bối của họ đến các nước láng giềng xung quanh Nga không thể được xem là hành động gì khác ngoài sự răn đe nhằm vào chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.
Mỹ muốn dùng sự kiện F-22 làm câu trả lời cho những lời kêu gọi khẩn thiết của các nước đồng minh ở Đông Âu trong thời gian qua. Một số nước thành viên NATO trong khu vực đã liên tục kêu gọi Mỹ và NATO giúp họ tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với Nga cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực để khiến Moscow chùn bước trong cái gọi là “tham vọng bành trướng”. Mỹ cũng muốn thông qua việc tung F-22 đến Đông Âu để thể hiện cam kết của nước này trong việc bảo đảm an ninh cho khu vực.
Nga phản bác mọi lời cáo buộc cho rằng họ đang tìm cách bành trướng ra các nước xung quanh. Moscow tin rằng, Mỹ và NATO đang tìm cái cớ được gọi là “mối đe doạ mang tên Nga” để đưa quân và vũ khí vào Đông Âu nhằm thiết lập thế trận bao vây, kiềm toả Nga. Moscow đương nhiên sẽ không thể ngồi yên mà không thực hiện những biện pháp đáp trả.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc