Hai loại tàu ngầm Nga khiến Hải quân Mỹ dè chừng

19:58, 23/03/2016
|

(VnMedia) - Nga là đối thủ hàng đầu về quân sự của Mỹ. Trong những năm trở lại đây, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đang mạnh tay đầu tư vào kế hoạch hiện đại hóa quân sự, trong đó đặc biệt chú trọng đến Hải quân.

Với sự nổi lên mạnh mẽ của Hải quân Nga trong thời gian vừa qua, Hải quân Mỹ đang tỏ ra rất quan ngại. Trong số hàng loạt dự án phát triển vũ khí của Hải quân Nga, Mỹ quan tâm đặt biệt đến dự án phát triển tàu ngầm lớp Yasen và tàu ngầm lớp Borei.

Tàu ngầm lớp Yasen - tàu ngầm uy lực hàng đầu của Nga

Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen được thiết kế để có thể phóng đi một loạt tên lửa hành trình tầm xa (lên tới 5.000km) đem theo đầu đạn hạt nhân. Chúng cũng có khả năng giao chiến với tàu ngầm, tàu chiến và cả các mục tiêu trên cạn.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen

Các chuyên gia Nga tin rằng việc đưa tàu ngầm lớp Yasen vào biên chế sẽ khiến cho khả năng chiến đấu của Hải quân Nga gia tăng đáng kể, khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải dè chừng.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Yasen Dự án 885 - tàu Severodvinsk mới đây đã hoàn tất mọi cuộc thử nghiệm và sẽ sớm được đưa ra biển để thực hiện các cuộc huấn luyện chiến đấu.

Tàu ngầm Severodvinsk bắt đầu được đóng từ năm 1993 tại xưởng đóng tàu Sevmash, thành phố Severodvinsk, phía bắc nước Nga. Tuy nhiên, do có khó khăn về tài chính nên thời gian hoàn thành chiếc tàu ngầm này đã bị kéo dài đến 17 năm. Moscow đã lên kế hoạch hạ thủy tàu Severdovinsk vào ngày 7/5/2010, đúng dịp kỷ niệm 65 ngày chiến thắng phát xít Đức. Tuy nhiên, do một số trục trặc kỹ thuật, lễ hạ thủy tàu Severodvinsk đã phải lùi lại đến ngày 15/6/2010.

Theo tờ Vedomosti, giá của chiếc tàu ngầm chiến lược này được giữ bí mật nhưng chi phí ước tính của nó có thể lên tới con số kỷ lục 1 tỉ USD.

Tàu ngầm tấn công đa năng Severodvinsk có lượng giãn nước 8.600 tấn khi nổi, 13.800 tấn khi lặn, độ lặn sâu tối đa 600m, di chuyển với tốc độ 16 hải lý/h khi nổi và 31 hải lý/h khi lặn. Tàu ngầm có chiều dài 119 m, chiều rộng lớn nhất của thân 13,5 m, thủy thủ đoàn 90 người, trong đó có 32 sĩ quan. Vũ khí trang bị cho tàu ngầm Severodvinsk gồm tên lửa hành trình 3M55 oniks (SS-N-26) và 3M54 (SS-N-27), thủy lôi và ngư lôi. Severodvinsk được trang bị 24 tên lửa hành trình, 8 bệ phóng ngư lôi, mìn và cả tên lửa chống tàu.

Tàu ngầm lớp Borey - tàu ngầm có sức mạnh hủy diệt

Tàu ngầm lớp Borey nằm trong một dự án nâng cấp lực lượng tấn công hạt nhân dưới biển của Hải quân Nga với trị giá 755 triệu USD. Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey sẽ trở thành xương sống của lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược Nga sau năm 2018. Các chuyên gia Nga từng ca ngợi tàu ngầm lớp Borey là loại tàu ngầm tấn công tốt nhất thế giới.

Tàu ngầm lớp Borey
Tàu ngầm lớp Borey

Về trang bị vũ khí, tàu ngầm lớp Borey được trang bị hệ thống MGK-600 dò ngư lôi, mìn, đo độ dày của băng, phát hiện những vùng nước không có băng… Ngoài ra, gần như chắc chắn tàu ngầm lớp này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava có tầm bắn 8.000km và có khả năng mang theo 6-10 đầu đạn hạt nhân tấn công độc lập các mục tiêu.

Chiếc tàu ngầm lớp Borey đầu tiên của Nga - Yury Dolgoruky đã chính thức được đưa vào phục vụ trong Lực lượng Hải quân Nga từ hôm 10/1/2013. Con tàu này được phân vào biên chế của đơn vị số 31 thuộc Hạm đội Phương Bắc.

Tên lửa Bulava được thiết kế dành riêng cho tàu ngầm hạt nhân lớp Borey và nó được xem là tên lửa hạt nhân tối tân nhất, hùng mạnh nhất của Nga. Nga muốn phát triển tên lửa Bulava thành thứ vũ khí trụ cột trong kho hạt nhân của nước này. Dự án phát triển tên lửa Bulava (SS-NX-30) là một trong những dự án vũ khí đắt nhất của Nga. Một tên lửa Bulava có sức công phá khủng khiếp gấp 100 lần vụ nổ phá hủy thành phố Hiroshima năm 1945.

Nga đang nỗ lực đẩy mạnh việc phát triển các tàu ngầm và tên lửa với mục tiêu đưa hai loại vũ khí này trở thành trụ cột trong lực lượng Hải quân Nga. Theo kế hoạch dự kiến, Hải quân Nga sẽ được đầu tư gần 1/4 trong tổng ngân sách quốc phòng 20 nghìn tỉ rúp (621,31 tỉ USD) từ nay đến cuối thập kỷ.

Những nỗ lực phát triển sức mạnh của Hải quân Nga nằm trong chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này. Sức mạnh quân sự của Nga đang được tăng cường một cách nhanh chóng, khiến nhiều đối thủ của Nga phải kiêng dè, lo ngại.


Ý kiến bạn đọc