Nga tăng cường sức mạnh phòng thủ bằng radar tối tân

09:23, 29/02/2016
|

(VnMedia) - Sử dụng loại radar mới, Nga đang có ý định thiết lập một mạng lưới cảnh báo sớm toàn cầu, vượt trội hơn hệ thống của Liên Xô cũ nhằm đối phó với các mối đe dọa tên lửa tiềm tàng.

Theo tờ Rossiyskaya Gazeta, trụ cột chính của hệ thống phòng thủ toàn cầu này sẽ được hình thành bởi các trạm radar lớp Voronezh thế hệ thứ 3.

Hệ thống radar lớp Voronezh là một bước đột phá trong công nghệ so với các thế hệ ra-đa trước đó thuộc lớp Dnepr và Daryal.

Hệ thống radar lớp Voronezh bao gồm 3 biến thể, Voronezh M, Voronezh-DM sử dung tần số VHF và UHF, và Voronezh-VP sử dụng tần số EHF. Tầm hoạt động của hệ thống này từ 4.500 – 6.000km, và nó có khả năng phát hiện các vật thể ở độ cao tới 4.000km. Hệ thống radar này có thể dò tìm một lúc 500 mục tiêu.

Thêm nữa, radar lớp Voronezh được chế tạo bằng các mô-đun sản xuất tại nhà máy và do đó có thể được xây dựng nhanh chóng trong khoảng 1,5 năm, trong khi xây dựng một trạm radar có khả năng tương tự thường phải mất từ 5 đến 9 năm.

Sau khi Liên Xô tan rã, khả năng cảnh báo sớm của Nga đã bị suy giảm nghiêm trọng bởi vì nhiều bộ phận của hệ thống này đặt tại các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô đã bị chính quyền mới đóng cửa. Tuy nhiên, hiện nay, với sự áp dụng các công nghệ hiện đại, mạng lưới mới này được kỳ vọng sẽ vượt qua hệ thống tiền thân từ thời Liên Xô và đảm bảo bao quát cảnh báo sớm cho toàn bộ lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, Các Lực lượng Vũ trang Nga đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion tại bán đảo Kola. Theo tờ báo Izvestiya, các hệ thống vũ khí được triển khai này có thể bao quát được khoảng 1.500km bờ biển nước Nga trong khu vực và biến một cách hiệu quả một khu vực rộng lớn của biển Barents thành một "khu vực chết" đối với các tàu chiến NATO.

Một khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P bao gồm 12 bệ phóng cơ động được trang bị các tên lửa đối hạm P-800 Oniks với tầm bắn 300km.

Sau khi triển khai loại bệ phóng tên lửa này tới Crimea trong thời gian qua, Nga hiện nay có thể tấn công và tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào của đối phương ở cả Biển Đen và Biển Barents, tờ báo nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng, Bộ Quốc phòng Nga không nói rõ tiếp theo họ có thể sẽ triển khai loại vũ khí này tới đâu.

Theo chương trình quốc phòng đến năm 2020 của Nga, Bộ Quốc phòng nước này sẽ thay thể tất cả các hệ thống ra-đa tầm xa có từ thời Xô-viết cũ.

Thời gian gần đây, Nga tập trung nỗ lực vào nâng cấp và phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhằm đối phó với những thách thức chiến lược từ kế hoạch lá chắn tên lửa của NATO do Mỹ đứng đầu ở châu Âu.


Ý kiến bạn đọc