Nga dễ dàng nghiền nát NATO hùng mạnh trong 3 ngày

09:11, 04/02/2016
|

(VnMedia) - Nếu ngày mai xe tăng và binh lính Nga tiến vào vùng Baltics thì lực lượng NATO dù đông hơn và được trang bị nhiều vũ khí hơn vẫn dễ dàng bị hạ gục chỉ trong 3 ngày. Đây là nhận định vừa được một nhóm cố vấn gồm các sĩ quan quân đội và các quan chức dân sự Mỹ đưa ra.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

“Thực tế trên là rõ ràng. Như những gì đang có hiện nay, NATO không thể bảo vệ được các khu vực lãnh thổ của những nước thành viên dễ bị tổn thương nhất”, bản báo cáo của RAND Corp. - tổ chức cố vấn chuyên nghiên cứu về chiến tranh, đã kết luận như vậy.

Trong rất nhiều các cuộc tập trận giả định diễn ra trong nhiều tháng từ năm 2014 đến 2015, lực lượng Nga đã gõ cửa thủ đô Tallinn của Estonia và thủ đô Riga của Latvia chỉ trong vòng từ 36 đến 60 giờ đồng hồ. Trong khi đó, lực lượng Mỹ và Baltic cũng như Không lực của Mỹ, cho thấy họ không thể chặn được bước tiến của những đơn vị cơ giới của Nga và phải hứng chịu tổn thất nặng nề, bản báo cáo của RAND Corp. cho hay.

Cũng theo bản báo cáo trên, NATO đã bị bao vây bởi một nước Nga đang nổi lên mạnh mẽ và ngày càng khó đoán. RAND Corp. cho biết, Nga đã tăng cường chi tiêu quân sự sau khi lấy lại bán đảo Crimea ở Ukraine và tiếp tục hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông. Trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm nhập của Nga vào vùng Baltics, Mỹ và các đồng minh không có đủ quân hay xe tăng, xe bọc thép để làm chậm lại bước tiến của lực lượng thiết giáp Nga, hai tác giả của bản báo cáo – ông David Shlapak và Michael Johnson nhận định.

“Việc NATO bị hạ gục nhanh chóng sẽ khiến liên minh này có ít sự lựa chọn, và tất cả đều là những lựa chọn tồi”, bản báo cáo phân tích thêm.

Mỹ và các đồng minh trong NATO có thể tìm cách thực hiện một cuộc phản công đẫm máu và điều này sẽ châm ngòi cho một sự leo thang nghiêm trọng trong hành động từ Nga bởi khi đó, Moscow coi rằng hành động của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là một mối đe doạ trực tiếp đối với đất nước họ. Lựa chọn thứ hai sẽ là xé một trang trong cuốn sách Chiến tranh Lạnh và đe doạ thực hiện những đòn trả đũa toàn diện, trong đó có việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Lựa chọn thứ ba sẽ là thừa nhận thất bại ít nhất là trong tạm thời, thừa nhận một NATO không có sức mạnh, và sau đó khởi động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Moscow, RAND Corp. đã đưa ra những lựa chọn như vậy cho liên minh quân sự phương Tây.

Tuy nhiên, theo bản báo cáo của nhóm cố vấn nói trên, có những bước đi tính toán từ trước mà Mỹ và Liên minh Châu Âu có thể thực hiện để giúp họ tránh được một thất bại bẽ bàng trước Nga và tăng cường phòng thủ sườn phía đông của NATO cũng như cho Nga thấy rõ rằng nước này sẽ không có được chiến thắng dễ dàng.

Một lực lượng gồm khoảng 7 sư đoàn đóng tại khu vực, trong đó có 3 sư đoàn bọc thép hạng nặng được hậu thuẫn bởi các đơn vị không quân và pháo binh sẽ là “đủ để có thể ngăn chặn viễn cảnh các nước Baltic nhanh chóng bị Nga chiếm đóng”, bản báo cáo cho hay. Một lực lượng như vậy sẽ cần phải mất chi phí là 2,7 tỉ USD mỗi năm.

Bản báo cáo của RAND Corp. được tung ra vào hôm thứ Ba (2/2), đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố kế hoạch đưa thêm vũ khí hạng nặng và phương tiện bọc thép đến các khu vực ở Đông Âu nhằm trang bị cho hai sư đoàn đang đóng tại biên giới phía đông của NATO đầy đủ vũ khí nhất có thể. Hiện đang có hai sư đoàn bộ binh của Mỹ đóng tại Châu Âu – một ở Italia và một ở Đức. Hai lực lượng này đang phải dàn trải rất mỏng do nhu cầu huấn luyện luân phiên các đồng minh trên khắp khu vực. Theo kế hoạch mới với ngân sách 3,4 tỉ USD được ông Carter và Nhà Trắng đưa ra, sẽ có thêm một sư đoàn được triển khai đến khu vực và sư đoàn này do Mỹ góp quân.

Mối quan hệ giữa Nga với NATO đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.

Chưa hết, NATO còn luôn rêu rao về cái gọi là mối đe doạ từ Nga đối với các nước láng giềng xung quanh nước này. Đây là lý do khiến các nước láng giềng xung quanh Nga đang nháo nhào tìm cách gia tăng sức mạnh quân sự của mình cũng như ra sức kêu gọi NATO đưa quân vào khu vực.

Bản báo cáo mới nhất của RAND Corp. dễ bị hiểu là đòn tuyên truyền mới nhất của phương Tây nhằm khiến các nước Đông Âu thêm hoảng sợ về cái gọi là mối đe doạ từ Nga và giúp NATO có thêm cái cớ để đưa vũ khí, lực lượng đến khu vực.


Ý kiến bạn đọc