Mỹ ra động thái bất ngờ khiến Ấn Độ "mất ăn mất ngủ"

10:33, 28/02/2016
|

(VnMedia) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 26/2 vừa lên tiếng xác nhận kế hoạch bán chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan, một động thái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Ấn Độ.

“Chúng tôi ủng hộ để xuất bán 8 chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch chống nổi dậy và chống khủng bố của chính phủ nước này. Lô chiến đấu cơ F-16 hiện tại của Pakistan đã chứng được thành công của chúng trong các chiến dịch đó cho tới thời điểm này”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Helaena W.White cho biết.

Theo đó, hợp đồng bán 8 máy bay chiến đấu F-16 cho Pakistan, cùng các loại radar và thiết bị liên quan sẽ có trị giá 699 triệu USD.

Theo tờ Dawn của Pakistan, Đại sứ nước này tại Mỹ - ông Jalil Abbas Jilani đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với các nỗ lực của Mỹ trong việc cung cấp cho Pakistan chiến đấu cơ F-16 bất chấp sự phản đối ngày càng dữ dội của Ấn Độ cũng như các nghị sỹ Mỹ, những người cho rằng chiến đấu cơ này sẽ được sử dụng để chống lại Ấn Độ.

Trước đó, Chính phủ Mỹ ngày 12/2 thông báo đã phê chuẩn thương vụ bán cho Pakistan 8 chiến đấu cơ F-16 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất theo một hợp đồng trị giá gần 700 triệu USD. Tuy nhiên, quyết định này vẫn cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Cơ quan hợp tác An ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết, họ sẽ đưa thoả thuận này lên quốc hội xem xét. Các nhà lập pháp sẽ có 30 ngày để phản đối, tuy nhiên, điều này rất ít khi xảy ra do các thoả thuận mua bán vũ khí của Mỹ thường được công bố chỉ khi chắc chắn thành công.

Ấn Độ, một nước vốn có nhiều vấn đề xung đột với Pakistan đã bày tỏ sự không hài lòng với tuyên bố này của Mỹ.

Ngày 13/2, Ấn Độ đã cho triệu Đại sứ Mỹ tại nước này Richard Verma tới để bày tỏ thái độ “không hài lòng và thất vọng” khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định bán máy bay chiến đấu F-16 cho Pakistan.

Bí thư đối ngoại Ấn Độ S.Jaishankar đã cho triệu Đại sứ Verma tới để thông báo về những quan ngại của Chính phủ Ấn Độ liên quan tới khoản viện trợ quân sự mà Washington dành cho Islamabad, vốn bị Ấn Độ cho là được sử dụng cho các hoạt động chống phá nước này.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cùng ngày cũng đã ra tuyên bố mạnh mẽ bày tỏ thất vọng trước quyết định trên của Mỹ, đặc biệt khi Washington viện lý do máy bay F-16 sẽ giúp Islamabad đối phó với khủng bố.

DSCA cho biết, các máy bay F-16 mới sẽ cho phép không quân Pakistan có thể hoạt động cả đêm lẫn ngày, trong mọi điều kiện thời tiết.

Mặc dù đã kí hợp đồng mua 8 chiếc F-16, tuy nhiên, nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết, Pakistan mới chỉ có điều kiện tài chính đủ để chi trả cho 4 chiếc.

Thương vụ trên được xem là một phần trong nỗ lực củng cố và thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Pakistan mặc dù Washington vẫn còn quan ngại về tốc độ gia tăng kho vũ khí hạt nhân của Islamabad. Số máy bay chiến đấu mới trên sẽ bổ sung cho lực lượng máy bay chiến đầu khá lớn của Pakistan gồm hơn 70 máy bay F-16 và hàng chục máy bay tấn công do Pháp và Trung Quốc sản xuất.

F-16 là loại chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm vụ do Tập đoàn chế tạo vũ khí General Dynamics và Lockheed Martin phát triển riêng cho Không quân Mỹ. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm hoạt động thành công và hiệu quả.

F-16 có tính cơ động và linh hoạt cao, khiến nó trở thành một sản phẩm khá được ưa chuộng trong thị trường xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Hiện nó đang phục vụ trong không lực của 24 quốc gia.

F-16 là chương trình chiến đấu cơ “đồ sộ” nhất của phương Tây với hơn 4.000 chiếc đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976. Chiến đấu cơ F-16 C/D là phiên bản nâng cấp của F-16, với các tính năng hàng không điện tử, ra-đa tối tân, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và được trang bị loại tên lửa không đối không AIM-7 và AIM-120.


Ý kiến bạn đọc