(VnMedia) - Khi căng thẳng leo thang ở Biển Đông, quân đội Mỹ đang thảo luận về khả năng đưa hàng loạt đơn vị pháo binh di động đến khu vực.
Ảnh minh hoạ |
Cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu rằng, chính quyền của ông sẽ tiếp tục thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. "Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đang dựa vào lối mòn cũ là 'chân lý thuộc về kẻ mạnh', bất chấp luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn quốc tế để thiết lập chủ quyền và để giải quyết tranh chấp”, ông Obama thẳng thắng tố cáo Trung Quốc trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Channel News Asia.
Trung Quốc đang gây lo ngại cho cộng đồng thế giới nói chung và các nước trong khu vực nói riêng về tham vọng độc chiếm Biển Đông. Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn, đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc đặc biệt gây quan ngại. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt và mạnh mẽ của nhiều nước.
Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Mỹ là một trong những nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc phản đối những hành động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua. Không chỉ dừng lại ở lời nói, Mỹ cũng bắt đầu hành động bằng cách đưa tàu chiến vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của nước này.
Trong một động thái mới nhất, một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ giấu tên tiết lộ, nước này sẽ sớm triển khai gần Biển Đông một loạt đơn vị pháo binh di động thường được dùng trong các cuộc tấn công từ mặt đất.
"Chúng ta có thể sử dụng những khẩu pháo Howitzers hiện có và loại đạn dược đó để hạ gục những mối đe doạ tiềm tàng khi có ai đó muốn tấn công chúng ta từ trên không ở một tầm xa bằng rocket và tên lửa hành trình”, vị quan chức Mỹ cho hay.
Một kế hoạch như vậy sẽ đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các đồng minh trong khu vực. Những nước này sẽ phải thông qua kế hoạch triển khai hàng loạt khẩu pháo ở gần Biển Đông.
"Một khẩu pháo Howitzer có thể được đưa đến bất kỳ nơi đâu nó cần phải đi. Đó là một cách thay đổi vũ khí tấn công và sử dụng nó song song trong hai nhiệm vụ. Thứ vũ khí này mở ra cơ hội và lựa chọn mà chúng ta chưa từng có trước đây – vừa là nền tảng phòng thủ di động và vừa có khả năng tấn công", vị quan chức giấu tên của Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nếu các đơn vị tấn công di động được xem như một lựa chọn hiệu quả và tốn ít chi phí trong việc bắn hạ các tên lửa hoặc máy bay thì chúng cũng có thể được sử dụng vượt qua phạm vi ở Thái Bình Dương. Giới chức quân sự cho rằng, các khẩu pháo M777 Howitzers và M109 Paladins có thể được sử dụng ở Đông Âu để đối phó với Nga.
Ý kiến bạn đọc