(VnMedia) - Hải quân Trung Quốc có thể sẽ triển khai tàu sân bay cho các chiến dịch thường trực ở Biển Đông – nơi Bắc Kinh đang hung hăng tranh giành chủ quyền với các nước khác.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Giáo sư Chu Shulong – Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển và Chiến lược Quốc tế ở trường Đại học Tsinghua, thủ đô Bắc Kinh, hôm qua (29/1) đã nói với tạp chí IHS Jane’s rằng, việc triển khai tàu sân bay ra Biển Đông là có thể khi chiếc tàu sân bay thứ hai của Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa được đưa vào hoạt động.
"Đối với Biển Bắc, biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, Trung Quốc không cần tàu sân bay. Những chiếc máy bay cất cánh từ bờ có khả năng vươn tới những nơi như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, ông Chu nói, ám chỉ đến quần đảo ở biển Hoa Đông đang nằm trong tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể làm điều tương tự ở Biển Đông, Giáo sư Chu phân tích. "Nếu người Mỹ đưa tàu và máy bay vào Biển Đông, thì Trung Quốc hiện chưa có năng lực để đối phó với một thách thức như vậy”, ông Chu nhận định.
Theo lời ông Chu, Trung Quốc sẽ phải mất một giờ đồng hồ để đưa máy bay chiến đấu từ căn cứ không quân gần nhất ở đảo Hải Nam đến các khu vực phía nam Biển Đông. “Những thách thức đó từ Mỹ gần như có thể xảy ra ở mức độ rất thường xuyên trong tương lai”, ông Chu nói.
Sự tự do thực hiện các chiến dịch hàng hải của Hải quân Mỹ, đáng chú ý là việc đưa tàu chiến đi qua một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông hồi tháng 10, đã khiến giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc tin rằng, việc triển khai một tàu sân bay đến Biển Đông là điều cần thiết phải làm, ông Chu phân tích.
Trung Quốc hiện đang có một tàu sân bay duy nhất mang tên Liêu Ninh. Sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay đầu tiên này của Trung Quốc từng gây ra rất nhiều ồn ào với vô số những lời bình luận, nhận định. Bắc Kinh kỳ vọng rất nhiều vào chiếc tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên, tàu sân bay của Trung Quốc vốn là một chiếc tàu cũ được nước này mua lại từ Ukraine cách đây hơn một thập kỷ. Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp, đại tu con tàu này để biến nó trở thành tàu sân bay đầu tiên của họ. Tên ban đầu của nó là Varyag.
Giới chuyên gia quân sự thế giới tin rằng, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng chứ chưa có sức mạnh thực chất gì, nếu không nói nó chỉ là “hổ giấy”.
Hồi cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiết lộ, họ đang đóng chiếc tàu sân bay thứ hai, lần này bằng công nghệ hoàn toàn trong nước. Đây là một bước đi thêm nữa của Bắc Kinh trong kế hoạch củng cố sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, nhằm bành trướng trên biển. Tuy nhiên, tàu sân bay mới của Trung Quốc chỉ bằng một nửa kích cỡ so với những chiếc tàu sân bay hoành tráng, uy lực của Mỹ.
So về sức mạnh tàu sân bay giữa Mỹ và Trung Quốc thì Trung Quốc chỉ là một “anh lùn” bên cạnh người khổng lồ bởi trong khi siêu cường số 1 thế giới đã sở hữu trong tay một đội tàu sân bay hùng hậu cả về số lượng lẫn quy mô và độ thiện chiến thì Bắc Kinh mới chỉ đang trên đường đóng chiếc tàu sân bay thứ hai. Con tàu tự chế này vẫn còn chưa rõ sức mạnh sẽ như thế nào và phải bao lâu nữa nó mới thực sự có thể hoạt động.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Âm mưu của Trung Quốc là dùng những công trình bất hợp pháp này để đặt mọi sự đã rồi và từ đó đòi chủ quyền đối với những khu vực vốn không thuộc của họ. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung.
Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, ngày càng có nhiều tiếng nói trong cộng đồng quốc tế cất lên để phản đối các hành động của Trung Quốc. Cùng với đó, nhiều nước cũng bắt đầu hành động công khai và mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. Mỹ là một trong số những nước như vậy.
Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Harry Harris hồi giữa tuần này vừa lên tiếng tuyên bố, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong khu vực.
Mỹ luôn nhấn mạnh họ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ nhưng siêu cường số 1 thế giới kiên quyết phản đối việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông nhằm phục vụ cho mưu đồ biến vùng biển này thành “ao nhà” của họ.
Ý kiến bạn đọc