Trung Quốc tiếp tục bị dày vò đến "mất ăn mất ngủ"

14:45, 09/12/2015
|

(VnMedia) - Quân đội Trung Quốc đang “theo dõi chặt chẽ” một thoả thuận giữa Mỹ và Singapore liên quan đến việc triển khai máy bay do thám tối tân P8 Poseidon tới quốc đảo ở Đông Nam Á, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, đồng thời nói thêm rằng họ hy vọng động thái của Mỹ và Singapore sẽ không gây hại cho sự ổn định của khu vực.

máy bay do thám tối tân P8 Poseidon
Máy bay do thám tối tân P8 Poseidon

"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ xem tình hình sẽ diễn tiến như thế nào, đồng thời hy vọng sự hợp tác quốc phòng song phương giữa các nước có liên quan sẽ đem lại lợi ích cho hoà bình và sự ổn định của khu vực chứ không phải đem đến điều ngược lại”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua (8/12) đã nói như vậy.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao của Trung Quốc cho rằng, thoả thuận giữa Mỹ và Singapore là nhằm mục đích quân sự hoá khu vực.

Đây là phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ và Singapore thông báo về một thoả thuận mà họ vừa đạt trong cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Ng Eng Hen ở thủ đô Washington mới đây. Thoả thuận này cho phép Mỹ triển khai máy bay do thám P-8 Poseidon đến Singapore để tăng cường an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố chung được phát đi sau cuộc gặp nói trên, hoạt động triển khai máy bay P-8 Poseidon sẽ giúp tăng cường tính tương tác giữa quân đội các nước trong khu vực trong những cuộc tập trận, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho an ninh hàng hải cũng như cứu trợ thảm hoạ. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, những hoạt động triển khai như vậy ở Singapore dự kiến sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, định kỳ khoảng 3 tháng một lần.

P-8A Poseidon là loại máy bay tuần tra săn tàu ngầm tối tân do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Hải quân Mỹ.

Với mục đích phát triển dòng máy bay tuần tra hải quân mới thay thế cho dòng máy bay P-3C Orion đã phục vụ trong biên chế hải quân Mỹ từ những năm 1960, P-8A Poseidon giúp nâng cao đáng kể khả năng trinh sát và tuần tra các vùng biển ven bờ của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, dòng máy bay tuần tra hải quân mới này cũng đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến săn ngầm, diệt hạm với trang bị vũ khí thích hợp. Máy bay này được trang bị hệ thống radar tối tân cùng với một loạt ngư lôi và tên lửa chống hạm. P-8A có thể bay xa hơn và thực hiện nhiệm vụ lâu hơn những chiếc P-3.

Được phát triển trên cơ sở máy bay chở khách Boeing 737-800, máy bay P-8A khác biệt với dòng máy bay Boeing 737-900ER ở kết cấu cánh, thiết bị cung cấp điện và một số trang bị điện tử trên máy bay. P-8A có khả năng đạt tốc độ tối đa là 907 km/giờ và tầm hoạt động tới 3.700 km. “Hỏa lực” của dòng máy bay hải quân này là 11 móc treo dưới thân và cánh để lắp bom, tên lửa và ngư lôi tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.

Chiến đấu cơ này có chiều dài 39,47 mét với độ sải cánh 35,72 mét. Nó có trọng tượng không tải là 62.730 kg và trọng lượng tối đa khi cất cánh là 85.370 kg.

"P-8A là máy bay chiến tranh chống tàu ngầm và tàu nổi tầm xa tối tân nhất thế giới hiện nay”, Lầu Năm Góc từng tự tin tuyên bố như vậy.

Việc Mỹ triển khai một loại máy bay siêu tối tân như vậy đến Singapore để giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không khỏi cảm thấy “lạnh gáy”.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc luôn nhăm nhe ý định biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Những bước đi nhằm thực hiện tham vọng Biển Đông của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ.

Tàu chiến Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông

Khi Trung Quốc ngày càng lấn tới trong các bước đi nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông thì Mỹ cũng ngày một công khai đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề này.

Gần đây nhất, giới chức Mỹ thể hiện quyết tâm ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bằng cách đưa tàu chiến vào tuần tra khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Hành động trên của Mỹ đã khiến Bắc Kinh giận sôi, tung ra một loạt những lời chỉ trích, cảnh báo và đe doạ. Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Mỹ và các nước khác tránh xa Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục điều tàu chiến đến thực hiện những cuộc tuần tra tương tự để thể hiện sự tự do hàng hải ở khu vực. Thông qua động thái của mình, Washington cũng muốn thể hiện rằng, nước này không công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở những khu vực mà họ đang xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trái phép.

Người đứng đầu chiến dịch Hải quân của Mỹ mới đây đã một lần nữa khẳng định quyết tâm thể hiện sự tự do hàng hải thông qua việc tiến hành những chuyến tuần tra ở Biển Đông. Miêu tả những nỗ lực bồi đắp, cải tạo trái phép ở Biển Đông của Trung Quốc thời gian vừa qua là “hành động gây hấn”, Đô đốc John Richardson tuyên bố, Hải quân sẽ ủng hộ chính phủ Mỹ trong việc đáp trả sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông cũng như việc nước này vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng trái phép trong khu vực.


Ý kiến bạn đọc