Nội bộ chia rẽ, EU vẫn "ra tay" thẳng thừng với Nga

11:07, 21/12/2015
|

(VnMedia) - Một nguồn tin thân thiết với giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay (21/12) tiết lộ, Uỷ ban Đại diện Thường trực trong liên minh đã quyết định kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa.

Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia Nga) – ông Naryshkin
Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia Nga) – ông Naryshkin

Bình luận về thông tin trên, Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia Nga) – ông Naryshkin cho rằng, những biện pháp trừng phạt Nga là hành động phi lý và đáng xấu hổ của Châu Âu.

"Phương pháp tiếp cận của Brussels (cũng như là cách tiếp cận của Washington trong toàn bộ chính sách) nhằm vào nước Nga hiện đại là một trong những tính toán sai lầm mang tính chiến lược. Ý tưởng nói với chúng tôi bằng ngôn ngữ trừng phạt phi pháp là hành động phi lý và đáng xấu hổ cho nền ngoại giao Châu Âu”, ông Naryshkin cho biết trong một bài báo được đăng tải trên tờ Izvesitya.

Theo vị quan chức Nga, các biện pháp trừng phạt đang được thực hiện và đang được kéo dài thời gian thực thi nhân danh những người dân mà họ không được hỏi ý kiến.

Cả EU và Mỹ đều đang áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào những ngành then chốt của Nga gồm ngân hàng, năng lượng, quốc phòng... từ hồi tháng Tư năm 2014. Các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014 và do cáo buộc Moscow can dự vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước láng giềng Ukraine.

EU tiếp tục gia hạn thời gian thực thi các biện pháp trừng phạt Nga bất chấp việc nội bộ liên minh này đang mâu thuẫn sâu sắc về chính sách đối với Nga. Nhiều nước thành viên EU đang muốn dừng chính sách trừng phạt Nga bởi nó đang gây tổn thất nặng nề cho họ.

Thủ tướng Italia Matteo Renzi hồi cuối tuần vừa rồi từng phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh EU rằng, liên minh này và Nga có thể vượt qua chính sách trừng phạt. “Chúng tôi chưa bao giờ giấu diếm lập trường của mình thậm chí kể cả khi nó đang bị chỉ trích”. Italia là một trong số nhiều nước đang phản đối mạnh mẽ việc trừng phạt Nga – đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của Châu Âu.


Ý kiến bạn đọc