(VnMedia) - Một đơn vị tên lửa mới trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 vừa được triển khai tại Bắc cực. Đó là thông tin vừa được văn phòng báo chí của Hạm đội phương Bắc thuộc Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm qua (8/12).
“Đơn vị tên lửa mới thuộc đơn vị phòng không Kola đã được triển khai cho Hạm đội phương Bắc để bảo vệ các đường biên giới trong khu vực của Nga. Đơn vị này được thành lập và tạm thời được triển khai tại bán đảo Novaya Zemlya”, người đứng đầu văn phòng báo chí của Hạm đội phương Bắc - ông Vadim Serga cho hay.
Ông này cũng cho biết thêm rằng, đơn vị trên được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 hiện đại, có khả năng đẩy lùi các cuộc không kích của kẻ thù trong bán kính hàng trăm km.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km. S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.
Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ.
S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.
Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt thời gian sử dụng.
Trong những năm qua, Nga đã tích cực đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế tại vùng lãnh thổ phía bắc của nước này, bao gồm các hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí trong bối cảnh NATO cũng đã tăng cường lợi ích tại khu vực. Với sự phát triển của các tuyến đường phía bắc, một con đường thương mại Á-Âu đã hình thành để phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế và quân sự của Nga tại Bắc Cực.
Hồi năm 2014, chính phủ Nga cũng từng công bố kế hoạch thành lập một cơ quan nhà nước mới tại Bắc Cực, nhằm nhanh chóng triển khai các chính sách kinh tế trong khu vực. Quân đội Nga cũng hình thành các đơn vị riêng biệt tại khu vực này, với mục đích tăng cường bảo vệ biên giới và ngăn chặn sự bành trướng của NATO, trong kế hoạch quân sự kiềm chế Nga của tổ chức do Mỹ dẫn đầu.
Tổ hợp quân sự thống nhất được điều hành bởi một tư lệnh và đóng quân tại Arkhangelsk, sẽ bao gồm Hạm đội Phương Bắc, 2 lữ đoàn Bắc Cực, các lực lượng không quân và đơn vị phòng không. Nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí hạng nặng cũng được vận chuyển đến Bắc Cực trong kế hoạch quốc phòng đối đầu với NATO của Moscow. Trong đó có mặt tên lửa đánh chặn Mig-31, máy bay trực thăng chuyên dụng Mi-8, các đợn vị phòng không trên mặt đất Pantsir-S1.
Không chỉ có vậy, gần đây, Nga cũng đang tiến hành nhiều quá trình hiện đại hóa các cơ sở quân sự khác tại Bắc Cực, bao gồm cả việc xây dựng mới 10 sân bay quân sự để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015, cùng với 4 sân bay hiện tại trên khu vực này.
Sở chỉ huy phương Bắc cũng sẽ bắt tay vào nâng cấp các cơ sở hạ tầng của mình, trong đó có việc xây dựng và khôi phục 10 sân bay ở khu vực này trước cuối năm 2015 để bổ sung vào 4 sân bay đang được vận hành, nâng số lượng sân bay ở khu vực này lên con số 14.
Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, ông Dmitry Bulgakov cho biết, việc khôi phục trở lại 10 sân bay tiến hành từ cuối năm nay đến cuối năm 2016. Với 14 sân bay, các hoạt động dân sự và quân sự của Nga ở Bắc Cực sẽ được triển khai dễ dàng hơn.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết cơ quan này đang có kế hoạch mở lại cảng hàng không và cảng biển trên quần đảo New Siberian và quần đảo Franz Josef Land trên vùng Bắc Cực.
Là một trong số ít những vùng đất “chưa có chủ” trên Trái Đất, Bắc Cực đang trở thành một điểm nóng tranh chấp mới. Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canađa và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực. Tất cả các nước này đều có lối ra trực tiếp với biển Bắc Băng Dương. Tuyên bố chủ quyền quốc gia của các nước này có thể dựa vào những luận chứng khác nhau và họ sẵn sàng cho cuộc đấu bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ".
Ý kiến bạn đọc