(VnMedia) - Mỹ vừa đưa vào thử nghiệm hai loại vũ khí mới được đánh giá cực kỳ thiện chiến. Điều này khiến Nga không tránh khỏi cảm giác lo ngại dù cường quốc Đông Âu sở hữu trong tay không ít vũ khí đầy uy lực.
Tàu USS Zumwalt |
Tàu khu trục lớn nhất của Mỹ ra biển
Tàu khu trục lớn nhất từng được Mỹ đóng vừa mới được đưa ra thử nghiệm trên biển hôm thứ Hai đầu tuần (7/12). Tàu USS Zumwalt trị giá 4,3 tỉ USD đã rời khỏi nhà máy, di chuyển dọc theo sông Kennebec tiến ra vùng biển Đại Tây Dương để thực hiện chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên.
USS Zumwalt là chiếc tàu đầu tiên trong dòng khu trục mang tên lửa dẫn đường mới có tính cách mạng trong công nghiệp chế tạo tàu chiến của Mỹ. Hàng trăm công nhân đã hò reo khi chứng kiến chiếc tàu khu trục khổng lồ rời nhà máy Bath Iron Works ở Maine và di chuyển dọc theo dòng sông Kennebec để ra biển, báo chí địa phương đưa tin.
Những bức ảnh của chiếc tàu chiến tương lai USS Zimwalt dưới sự chỉ huy của Đại tá Hải quân James Kirk đã được đăng tải trên tài khoản Twitter của Hải quân Mỹ. Bộ Chỉ huy Các hệ thống trên biển của Hải quân Mỹ viết kèm theo bình luận: "Zumwalt lần đầu tiên ra biển”.
Với chiều dài khoảng 180m, rộng 24,6m và nặng gần 15.000 tấn, USS Zumwalt là chiếc tàu khu trục lớn nhất trong Hạm đội của Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, nhờ thiết kế thân tàu có hình góc cạnh, tàu khu trục khổng lồ mới của Mỹ nhìn không lớn hơn một chiếc tàu cá trên màn hình radar.
Ngoài công nghệ tàng hình ưu việt có thể tránh hệ thống radar của kẻ thù một cách hiệu quả, tàu USS Zumwalt còn được trang bị các hệ thống vũ khí tối tân nhất hiện nay như 2 bệ pháo AGS cỡ nòng 155mm được thiết kế tàng hình, có thể bắn các loại đạn thông minh, đạn tăng tầm với tầm bắn tối đa lên đến 154km và có độ chính xác rất cao. Bệ pháo này còn có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng máy tính, tiêu diệt được mục tiêu cách 101 km, gấp 3 lần tầm bắn của các loại pháo hạm hiện tại.
Tàu khu trục mới của Mỹ cũng được trang bị 20 bệ phóng thẳng đứng đa năng MK 57 thế hệ mới với tổng cộng 80 ống phóng sử dụng cho tên lửa đánh chặn, tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống ngầm VL ASROC. Tàu còn được trang bị 2 pháo Mk 46 Mod 2 cỡ nòng 30mm. Sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm hoặc 3 máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout.
Mỹ thử siêu tên lửa SM-3
Đúng một ngày sau khi đưa tàu khu trục lớn nhất ra thử nghiệm trên biển, Mỹ và Nhật Bản hôm qua (8/12) đã tiến hành vụ thử thành công thứ hai đối với tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA của Raytheon Co. Đây là loại tên lửa được hai nước hợp tác phát triển.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, trong quá trình thử nghiệm ngoài khơi biển Nam California gần Malibu, tên lửa SM-3 lần đầu tiên lần đầu tiên mở cảm biến dò tìm tên lửa đối phương trong không gian và sử dụng các tên lửa kiểm soát tọa độ mới.
Trong lần thử nghiệm thứ hai này, SM-3 không đánh chặn tên lửa nào và cũng không có tên lửa mục tiêu nào được phóng đi. Tuy nhiên, trong những lần thử nghiệm sắp tới trong tương lai, SM-3 sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm các bài tập đánh chặn tên lửa đối phương.
Được biết, Mỹ đã đặt hàng 17 tên lửa đánh chặn SM-3 của tập đoàn Raytheon với giá trị lên tới 543 triệu USD.
Tên lửa SM-3 IIA là biến thể 21-inch của tên lửa SM-3. Đây là loại tên lửa phối hợp cùng với hệ thống chiến đấu siêu tối tân Aegis của tập đoàn Lockheed Martin Corp của Mỹ nhằm phá hủy mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo trên vũ trụ.
SM-3 là một bộ phận trong hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis được Hải quân Mỹ sử dụng nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung.
Tên lửa SM-3 được sử dụng phối hợp với các radar cảnh báo sớm và thiết bị cảm biến hồng ngoại trong không gian để dò tìm mục tiêu, định hướng, xác định độ cao, bám sát quá trình bay và tiêu diệt các mục tiêu là tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc tầm trung mang đầu đạn hóa học, sinh học hoặc hạt nhân.
Thế hệ tên lửa SM-3 được thiết kế dựa trên phiên bản SM-2, có tầm bắn khoảng 500 km, với độ cao khoảng 160 km. Tên lửa SM-3 được thiết kế 04 tầng, hai tầng đầu chứa nhiên liệu đẩy có chức năng đẩy tên lửa đánh chặn ra khỏi tầng khí quyển, tầng 3 đẩy tên lửa xa hơn ngoài tầng khí khuyển trái đất, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để điều chỉnh hướng tiếp cận mục tiêu, tầng thứ tư chứa các thiết bị mang và có sử dụng các sensor hồng ngoại nhằm lao thẳng vào mục tiêu.
Tầm hoạt động của tên lửa SM-3 có thể tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly khoảng 200 km, SM-3 có chức năng phù hợp hơn với nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, tiêu diệt mục tiêu cả ở tầm cao và tầm trung.
Tên lửa đánh chặn SM-3 có thể được triển khai trên các chiến hạm trang bị hệ thống Aegis hoặc trên bộ. Mỹ dự định triển khai một loạt siêu tên lửa lửa SM-3 Block IB trên lãnh thổ Rumani trong năm nay trong khuôn khổ trận địa của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Vì thế, tên lửa SM-3 gây không ít lo ngại cho Nga.
Ý kiến bạn đọc