(VnMedia) - Trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay còn gọi là Daesh ở Syria, Nga đã thể hiện sức mạnh hải quân tối tân hàng đầu. Theo một bản báo cáo mới của Lầu Năm Góc, sự hiệu quả của hạm đội Nga được chứng minh rõ ràng qua cuộc chiến ở Syria đã khiến Washington thực sự lo ngại.
Ảnh minh họa |
Hồi tháng 10, quân đội Nga đã phóng đi 18 quả tên lửa Kalibr-M từ tàu chiến đóng tại Biển Caspian. Bay qua hàng ngàn km, những tên lửa được phóng đi đã đánh trúng một loạt mục tiêu ở Syria, phá hủy một loạt cơ sở then chốt của IS.
Trong khi hành động trên rõ ràng là nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ cho các nhóm khủng bố ở Syria thì nó cũng có một ảnh hưởng mạnh đối với Lầu Năm Góc. Trong một bản báo cáo mới từ chi nhánh tình báo của Hải quân Mỹ, quân đội Mỹ đã thể hiện sự lo lắng thực sự trước một Hải quân Nga vừa “thức giấc”.
"Nga đã bắt đầu và trong một thập kỷ tới sẽ bước những bước tiến dài trong việc đưa lực lượng hải quân thế kỷ 21 có đủ sức bảo vệ quốc gia ra những khu vực lợi ích trên toàn cầu. Sự hiện diện của họ sẽ rất ấn tượng dù ở quy mô hạn chế”, bản báo cáo có tên “Hải quân Nga: Một bước chuyển tiếp lịch sử” đã nhận xét như vậy.
Bản báo cáo được thực hiện bởi tác giả George Fedoroff – chuyên gia hàng đầu về Nga của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ. Bản báo cáo của ông Fedoroff dựa trên số lượng hạm đội tàu và tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của điện Kremlin. Hiện Nga đang có trong tay hạm đội lên tới 186 tàu. Chuyên gia Fedoroff cũng không quên đề cập đến vũ khí tối tân, tinh vi của Hải quân Nga và lòng quyết tâm của lính thủy Nga.
Theo ông Fedoroff, Mỹ đã đánh giá thấp năng lực quân sự của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Và đây là lần đầu tiên sau 24 năm, Lầu Năm Góc bắt đầu chú ý đến sức mạnh Nga.
"Kể từ năm 2000, theo sắc lệnh của chính phủ Nga và do nền kinh tế ổn định, Nga đã tập trung nguồn lực và nỗ lực vào việc khôi phục lại sức mạnh quân sự của Nga, trong đó có Hải quân”, bản báo cáo cho hay. "Những chương trình đóng tàu từng bị trì hoãn đang được khởi động trở lại và đang sắp hoàn tất. Những chương trình mới bắt đầu được đưa ra và đã giúp cung cấp cho Hải quân Nga những chiếc tàu nổi và tàu ngầm của thế kỷ 21”, Lầu Năm Góc cho hay.
Ông Fedoroff đưa ra dẫn chứng về tên lửa Kalibr của Nga để chứng minh cho dấu hiệu chứng tỏ sức mạnh hải quân Nga ngày càng tăng lên.
Ttên lửa hành trình Kalibr đã gây tiếng vang sau khi nó đánh trúng vào mục tiêu của IS ở phạm vi cách xa 930 dặm (tương đương gần 1500km) trong một cuộc tấn công hồi tháng 10. Tên lửa mới của Nga “vượt xa sức mạnh so với những tên lửa Tomahawks" nổi danh của Mỹ. Một số chuyên gia quân sự thậm chí còn ca ngợi tên lửa Kalibr của Nga là loại tên lửa tối tân nhất thế giới hiện giờ.
Hồi đầu tháng này, Nga tiếp tục phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm đang hoạt động ở Địa Trung Hải vào các mục tiêu IS ở Syria.
Trước sự nổi lên của Hải quân Nga và thêm cả Hải quân Trung Quốc, Mỹ đang lo “sốt vó” và đang tính tới chuyện mạnh tay đầu tư để bảo vệ thế “độc tôn” về sức mạnh bao lâu nay của họ.
Washington có kế hoạch chi từ 80-92 tỉ USD để nâng cấp hạm đội tàu ngầm của mình. Trước đó hồi đầu tháng, Hải quân Mỹ từng bị một phen “bẽ mặt” khi chiếc tàu chiến đấu duyên hải tối tân nhất của họ vừa ra biển được chưa được đầy một tháng đã bị vỡ.
Một dự án đầu tư lớn khác của Lầu Năm Góc – chiếc tàu chiến 3 tỉ USD - USS Zumwalt đang phải đối mặt với sự chỉ trích về việc lỗi thời và không an toàn. Chiếc tàu khu trục tàng hình nói trên vừa thực hiện chuyến hải trình đầu tiên hồi đầu tháng. Nó có hình dáng của tương lai nhưng được cho là thiếu khả năng chịu đựng sóng gió trên biển.
Ý kiến bạn đọc