(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (9/12) đã ra lệnh cho chính phủ phát đơn kiện nếu Ukraine không trả khoản nợ 3 tỉ USD – một khoản nợ được ví như cái thòng lọng đang ngày một xiết chặt quanh cổ của Kiev. Bất chấp sự ra tay quyết liệt của Moscow, chính quyền Ukraine vẫn tỏ ra đầy thách thức.
Tổng thống Putin |
Nga sẽ kiện Ukraine?
Tổng thống Nga Putin đã chính thức ra lệnh cho chính phủ tiến hành vụ kiện nước láng giềng Ukraine nếu Kiev không chịu trả khoản nợ 3 tỉ USD. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhắc lại rằng, Moscow đã sẵn sàng ủng hộ cho Kiev, chia sẻ rủi ro với Mỹ, Châu Âu và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF).
"Đã 4 năm trôi qua – hơn số thời gian cần thiết để giảm thiểu rủi ro. Thật kỳ lạ. Nếu họ (các đối tác phương Tây) tự tin như vậy về khả năng thanh toán nợ của Ukraine trong năm tới thì họ đáng ra phải tham gia vào việc chia sẻ những rủi ro đó trong 4 năm qua. Tôi không hiểu chuyện này. Nếu như vậy, tôi cho phép họ kiện Ukraine”, ông Putin cho hay.
Điện Kremlin cảnh báo, Ukraine sẽ vỡ nợ trừ khi nước này trả nợ cho Nga.
Moscow từng đưa ra lời đề nghị cho phép tái cơ cấu khoản nợ 3 tỉ USD của Kiev đối với NGa dựa vào sự đảm bảo của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các thể chế tài chính toàn cầu lớn khác bất chấp thực tế Kiev thất bại trong việc giải quyết trực tiếp vấn đề với giới chức Moscow.
Ukraine đang gánh khoản nợ 70 tỉ USD, trong số đó có khoảng 40 tỉ USD nước này nợ các tổ chức cho vay quốc tế.
Hồi tháng 11, Tổng thống Putin cho hay, Moscow đã sẵn sàng cho phép Ukraine bỏ qua thời hạn trả nợ vào cuối năm miễn là nước này thực hiện kế hoạch trả nợ dần từng năm, mỗi năm 1 tỉ USD trong giai đoạn từ 2016 đến 2018.
Trước đó, IMF đã xác định khoản nợ 3 tỉ của Ukraine là khoản nợ chính phủ chứ không phải khoản nợ thương mại như Kiev vẫn khăng khăng đòi như vậy. Nhà phân tích tài chính Andrei Kiprovich nhận định, dù trong bất kỳ trường hợp nào, Ukraine vẫn phải trả nợ và khoản nợ trên giống “nhưng một chiếc thòng lọng quấn quanh cổ” với các giá treo cổ xuất hiện ở mọi hướng.
Khoản nợ của chính phủ được gọi là “sovereign debt”, trong đó hàm ý là đem chủ quyền ra cầm cố. Khi các chính phủ không trả nổi nợ thì chủ nợ siết chủ quyền (sovereignty) của nước nợ bằng cách bắt nước đó “triều cống” qua những hiệp định, nghị định thư...
Ukraine thách thức
Phản ứng trước việc Tổng thống Putin ra lệnh kiện Ukraine về khoản nợ 3 tỉ USD, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã thể hiện thái độ thách thức khi tuyên bố sẵn sàng theo đuổi vụ kiện với Nga ở trên toà.
"Nếu Nga phát đơn kiện Ukraine, chúng tôi sẵn sàng theo đuổi vũ kiện với ‘vũ khí’ được trang bị đầy đủ”, Thủ tướng Yatsenyuk cho biết tại một cuộc họp chính phủ. Ông này một lần nữa tuyên bố Kiev sẽ không đưa ra những điều khoản cho Moscow tốt hơn các chủ nợ khác để cơ cấu lại khoản nợ.
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.
Ý kiến bạn đọc