(VnMedia) - Trung Quốc đang bị thách thức chưa từng có ở Biển Đông. Sau Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Singapore... tuần này có thêm Australia trực tiếp đối đầu với Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc kéo tàu ngầm, tàu chiến và máy bay ra Biển Đông “ra oai”.
Ảnh minh hoạ |
Australia không ngán Trung Quốc
Hôm 15/12, Bộ Quốc phòng Australia đã lên tiếng xác nhận thông tin được đăng tải trên BBC về việc máy bay chiến đấu của nước này đang tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang hung hăng muốn biến thành “ao nhà”.
Australia đang tăng cường các chuyến bay do thám, giám sát ở Biển Đông. Trong mấy tuần gần đây, Autralia đã phái máy bay P-3 Orion đi thực hiện những cuộc tuần tra liên tục ở Biển Đông, khiến Hải quân Trung Quốc phải đưa ra yêu cầu đòi phía Australia giải thích về hành động của mình. “Thực thi quyền tự do hàng hải” là câu trả lời mà Australia gửi cho Bắc Kinh. Đây rõ ràng là hành động thể hiện sự thách thức của Australia đối với Trung Quốc trong bối cảnh cường quốc Châu Á đang gây căng thẳng ở Biển Đông bởi đòi hỏi chủ quyền phi lý và những hành động hung hăng, hiếu chiến nhằm đạt được mục đích.
Phản ứng trước sự thách thức trên của Australia, giới chức Trung Quốc đã thể hiện sự tức giận, nói rằng các nước bên ngoài không nên cố tình làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Cao trào hơn, tờ Thời báo Hoàn cầu – một tờ báo của chính phủ Trung Quốc nổi tiếng với các quan điểm diều hâu, còn lên tiếng đe doạ bắn rơi máy bay của Australia.
Tuy nhiên, lời cảnh báo đáng sợ trên chẳng hề làm Australia mảy may lo sợ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne hôm qua (17/12) tuyên bố, Australia sẽ không đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc để ngừng các chuyến bay do thám, tuần tra ở Biển Đông.
Bà Payne nhấn mạnh, Canberra sẽ không bị chùn bước bởi những lời cảnh báo từ Bắc Kinh và miêu tả những chuyến bay của họ là một phần trong vai trò của Australia nhằm giúp duy trì an ninh và sự ổn định trong khu vực Biển Đông.
"Chúng tôi luôn hành động theo một cách rất có tính xây dựng trong khu vực”, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh.
Trung Quốc tức giận dàn trận ở Biển Đông?
Trong bối cảnh Bắc Kinh đang sục sôi tức giận vì Australia, quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở Biển Đông trong tuần này với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Lực lượng Trung Quốc đã diễn tập những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào các tàu trên biển, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hôm nay (18/12) cho hay.
Trên trang nhất của mình, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa tin, cuộc tập trận được tiến hành từ hôm 16/12 trên một vùng biển rộng “hàng ngàn km vuông” ở Biển Đông. Lực lượng tập trận được chia thành hai đội, đỏ và xanh. Chỉ huy lực lượng đưa ra rất nhiều kịch bản để diễn tập, trong đó có một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa nhằm vào một tàu thương mại do bên thứ ba gây ra.
Tàu chiến Trung Quốc cũng diễn tập bài tập đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm, và phối hợp với các tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm và chiến đấu cơ.
Bắc Kinh thỉnh thoảng lại thông báo về những cuộc tập trận ở Biển Đông khi nước này đang tìm cách thể hiện sự minh bạch về các hoạt động triển khai quân sự.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.
Washington gần đây đang lên tiếng phản đối ngày càng mạnh mẽ các hành động xây dựng, bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ cũng tăng cường hoạt động tuần tra bằng đường biển và đường không ở khu vực.
Hồi cuối tháng 10, Mỹ từng đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Mới đây nhất, hồi tháng trước, Mỹ cho máy bay ném bom B-52 lượn sát một số đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Mỹ và Singapore ký thoả thuận cho phép siêu cường số 1 thế giới triển khai máy bay do thám tối tân P8 Poseidon đến Singapore cũng khiến Trung Quốc lo sợ, cáo buộc động thái này là nhằm quân sự hoá khu vực.
Ý kiến bạn đọc