(VnMedia) - Ukraine lại có một loạt động thái phũ phàng khiến Nga không khỏi tức giận, đau đớn. Theo đó, chính quyền Kiev tuyên bố ngừng mua khí đốt của Nga và đóng cửa không phận với nước láng giềng từng gắn bó khăng khít với họ.
Ảnh minh hoạ |
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ leo thang khi Kiev ngày hôm qua (25/11) tuyên bố quyết định ngừng mua khí đốt từ Nga với hy vọng trông chờ vào nguồn cung cấp từ các nước khác. Cùng với đó, Ukraine cũng tuyên bố đóng cửa không phận với Nga.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013 và sau đó là vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng Ba năm ngoái đã đẩy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ukraine xuống vực thẳm. Kể từ đó, Kiev tìm mọi cách để rời xa Nga, cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga – Gazprom sáng qua (25/11) cho biết, họ đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine và sẽ không cung cấp thêm cho nước láng giềng bởi Kiev vẫn chưa trả tiền trước cho những khoản khí đốt muốn mua từ Moscow.
Đáp lại, Kiev tuyên bố, chính họ mới là bên quyết định ngừng mua khí đốt từ Nga sau khi nhận được đề nghị nhập khí đốt với giá tốt hơn từ các nước Châu Âu. Những nước đó mua khí đốt từ Nga nhưng có thể cung cấp trở lại cho Ukraine.
Diễn biến trên diễn ra chỉ chưa đầy hai tháng sau khi hai nước Nga và Ukraine ký kết một thoả thuận do Liên minh Châu Âu (EU) làm trung gian. Theo đó, Moscow sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine đến tháng Ba năm sau. Cũng theo thoả thuận, Nga đã hạ giá khí đốt cho Ukraine bằng với mức cung cấp cho các nước láng giềng khác, từ 251 USD/ 1.000 mét khối xuống còn khoảng 230 USD.
Tổng Giám đốc điều hành Gazprom - ông Alexei Miller hôm qua cảnh báo Ukraine và Châu Âu về khả năng có sự gián đoạn trong nguồn cung cấp khí đốt sau khi Moscow ngừng cấp khí đốt cho Ukraine. Nga sử dụng hệ thống đường ống khí đốt của Ukraine để vận chuyển một phần khí đốt sang cho các nước Châu Âu khác.
Việc Ukraine “từ chối mua khí đốt của Nga gây ra nguy cơ đối với vấn đề trung chuyển khí đốt cho Châu Âu qua Ukraine và đe doạ đến nguồn cung cấp khí đốt cho các khách hàng Ukraine trong mùa đông sắp tới”, ông Miller cảnh báo.
Người đứng đầu tập đoàn Gazprom cho hay, Ukraine đã mua dự trữ nguồn khí đốt cho mùa đông sắp tới trong hai tháng qua nhưng ông tin rằng nguồn dự trữ đó không đủ để Ukraine vượt qua mùa đông này.
Trong khi đó, Uỷ ban Châu Âu cho rằng, nguồn khí đốt dự trữ của Ukraine khá ổn và rằng tình trạng thời tiết gần đây đỡ khắc nghiệt hơn đồng nghĩa với việc nguồn tiêu thụ năng lượng sẽ giảm.
"Chúng tôi không đặc biệt quan ngại về nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đến cho Ukraine vào thời điểm này”, phát ngôn viên Uỷ ban Châu Âu – bà Anna-Kaisa Itkonen cho hay.
Những cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine luôn dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung. Một cuộc chiến vào năm 2009 đã gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung đến các nước EU, khiến người dân EU phải chứng chịu hậu quả.
Nhiệt độ ở Ukraine sáng ngày hôm qua đã xuống dưới âm độ. Các gia đình ở Ukraine hầu hết đều phụ thuộc vào khí đốt để sưởi ấm.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk hôm qua cũng thông báo rằng, chính phủ của ông quyết định đóng cửa không phận với tất cả các máy bay Nga “vì lý do an ninh cũng như để trả đũa cho các hành động xâm lược của Nga”.
Kiev hồi tháng trước đã cấm tất cả máy bay Nga bay vào lãnh thổ Ukraine nhưng các máy bay Nga vẫn tiếp tục được bay qua bầu trời Ukraine. Quyết định mới sẽ khiến Moscow thêm tổn thương.
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 19 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
Ý kiến bạn đọc