Trung Quốc tím mặt vì "đòn" B-52 của Mỹ ở Biển Đông

07:19, 13/11/2015
|

(VnMedia) - Hai chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ tuần này vừa thực hiện một chuyến bay áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Các nhân viên không lưu dưới mặt đất của Trung Quốc đã liên lạc với máy bay Mỹ nhưng điều đó chẳng ngăn cản được các phi công Mỹ thực hiện nhiệm vụ. Đây là thông tin vừa được Lầu Năm Góc cung cấp ngày hôm qua (12/11).

Biển Đông đang chứng kiến cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc
Biển Đông đang chứng kiến cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc

 

Chuyến bay tuần tra mới nhất ở Biển Đông diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến khu vực vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương. Dự kiến, tại hội nghị lần này, ông chủ Nhà Trắng sẽ tái khẳng định cam kết của Washington đối với vấn đề tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời khu vực.

Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông – nơi chứa tuyến đường biển chiến lược với giá trị các hoạt động giao thương của thế giới đi qua đây lên tới hơn 5.000 tỉ USD mỗi năm. Tham vọng của Trung Quốc không được các nước chấp nhận. Mỹ tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tuần tra ở những khu vực gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để đảm bảo sự tự do hàng hải không bị ảnh hưởng và để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý, tham lam của Bắc Kinh.

Trong chuyến bay tuần tra mới nhất diễn ra vào buổi đêm ngày 8-9/11, những chiếc máy bay ném bom của Mỹ đã bay “vào khu vực” quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng không đi vào bên trong khu vực phạm vi 12 hải lý mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố là "thuộc chủ quyền" của họ, Chỉ huy Bill Urban – một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay.

"Hai chiếc B-52 đã thực hiện nhiệm vụ định kỳ ở khu vực Biển Đông”, cất cánh từ Guam và cũng trở về Guam, ông Urban cho hay.

Các nhân viên không lưu của Trung Quốc đã liên lạc với máy bay ném bom Mỹ nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của mình, ông Urban nói thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đem máy bay B-52 ra thách thức Trung Quốc. Hồi cuối năm 2013, hai chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ từng nghễu nghện bay qua bầu trời trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông để thách thức trực tiếp vùng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố xác lập ở khu vực.

Chuyến bay của B-52 ở Biển Đông được Mỹ thực hiện chỉ chưa đầy một tháng sau khi Biển Đông “nóng rẫy” vì sự kiện Tổng thống Barack Obama quyết định điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây được xem là hành động thách thức cao độ và cũng là phép thử lớn nhất từ trước đến nay của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Chuyến tuần tra của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông đã khiến Trung Quốc sục sôi tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ đã cử lực lượng tàu hải quân theo dõi, bám theo và cảnh báo tàu chiến của Mỹ sau khi tàu USS Lassen đi vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tự nhận là của mình một cách phi lý. Giới chức và truyền thông Trung Quốc liên tiếp tung ra những lời chỉ trích, lên án và cả cảnh báo. Bắc Kinh miêu tả hành động của Mỹ là “một sự đe doạ đối với chủ quyền của Trung Quốc”, khuyên Washington hãy hành động một cách thận trọng và cảnh báo sẽ tung “mọi đòn” ra để đáp trả hành động của Mỹ.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung.


Ý kiến bạn đọc