Nữ Thủ tướng quyền lực của Đức đang bị "đảo chính"?

09:52, 12/11/2015
|

(VnMedia) - Các bạn bè cũ của nữ Thủ tướng Đức quyền lực Angela Merkel đang dần dần trở thành đối thủ chính của bà. Thủ tướng Merkel không chỉ mất đi uy quyền vì cuộc khủng hoảng nhập cư ở Châu Âu mà bà còn không thể kiểm soát được chính nội bộ chính phủ của mình, tạp chí của Đức - Der Spiegel đã nhận định như vậy.

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang gặp nguy trên con đường chính trị vốn đầy hào quang của bà.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang gặp nguy trên con đường chính trị vốn đầy hào quang của bà.

Các bộ trưởng của Đức không còn tìm cách đạt được sự thỏa hiệp với Thủ tướng Merkel và họ đang bắt đầu hành động sau lưng bà.

Sau khi tuyên bố chính sách mở cửa cho người tị nạn Syria hồi tháng 8, dẫn đến làn sóng ồ ạt người tị nạn đổ xô vào Đức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, bà Merkel trên thực tế đã xé bỏ hai nguyên lý lớn của Liên minh Châu Âu: đó là Hiệp ước Schengen và Hiệp ước Dublin.

Hiệp ước Schengen, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995, đã loại bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên và cho phép du khách nước ngoài được đi lại trong cả khu vực mà chỉ cần xin thị thực một lần. Ngày nay, hiệp ước này có tổng cộng 26 nước thành viên, trong đó có cả các nước thuộc và không thuộc EU. Tuy nhiên, hiệp ước Schengen được đàm phán trong bối cảnh không ai lường trước được sẽ có ngày xảy ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng khắp khu vực Bắc Phi và Trung Đông với Cuộc Cách mạng Mùa Xuân Ả-rập và những cuộc xung đột ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Afghanistan dẫn đến làn sóng người nhập cư ồ ạt tràn vào Châu Âu ở mức độ chưa từng có.

Mặc dù Thủ tướng Merkel là người ủng hộ Hiệp ước Schengen nhưng đất nước của bà trên thực tế đã phá vỡ hiệp ước này bằng cách áp đặt chế độ kiểm soát biên giới tạm thời. Hơn nữa, bà Merkel còn phá vỡ Hiệp định Dublin. Hiệp định Dublin quy định rằng người nước ngoài phải nộp đơn xin tị nạn ở bất kỳ nước EU nào mà họ đặt chân đầu tiên khi vào khối này. Tại đó, họ sẽ được đăng ký tị nạn và thậm chí được lưu trú tị nạn. Trong cuộc khủng hoảng vừa rồi, chính phủ của bà Merkel đã đồng ý mở cửa biên giới, tiếp nhận tất cả người Syria đến từ bất kỳ đâu mà không không cần tới ý kiến và sự đồng thuận của các nước lớn ở Châu Âu. Bà đã phá vỡ nguyên tắc Dublin, trong đó quy định những người tị nạn phải làm đơn xin cư trú ở nước đầu tiên mà họ đặt chân đến ở EU.

Cuộc khủng hoảng nhập cư đã trở thành cuộc khủng hoảng của chính phủ Đức và gây rối loạn trong giới lãnh đạo hàng đầu của cường quốc Châu Âu này, nhà bình luận Jakob Augstein đã viết như vậy trên tờ Der Spiegel.

Đầu tiên, các thành viên của liên minh cầm quyền Đức đã đồng ý về chiến lược mới của Thủ tướng Merkel đối với người nhập cư, theo đó những người xin tị nạn sẽ được phép ở lại Đức trong vòng 3 năm và có thể đoàn tụ với gia đình của họ trong tương lai.

Tuy nhiên, chính sách của nữ Thủ tướng Merkel đã bị một đối tác trong liên minh cầm quyền – đảng SPD do ông Sigmar Gabriel lãnh đạo, phản đối. Đảng này cho rằng, những trại tạm thời cho người tị nạn chẳng khác nào các trung tâm giam giữ.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đột ngột thông báo thắt chặt đáng kể những chính sách, cơ chế được phê chuẩn trước đó và hành động này được Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble ủng hộ. Ông Schäuble nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế số lượng người nhập cư vào Đức.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nội vụ De Maiziere mới đây hôm 21/10 tuyên bố áp dụng trở lại Hiệp ước Dublin.

Toàn bộ những diễn biến trên làm dấy lên quan ngại về sự đoàn kết và tính hiệu quả của chính phủ Đức cũng như khả năng của chính phủ này trong việc xử lý, giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại và các hậu quả sau này của nó.

"Đang có một trò chơi quyền lực bẩn thỉu ở đây bất chấp số phận của hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em. Một chính sách như vậy sẽ là bất cẩn và vô nhân đạo nhưng hai ông Schäuble và de Maiziere không còn quan tâm đến điều đó. Mục đích duy nhất của họ là giới hạn số lượng người nhập cư", nhà phân tích Jakob Augstein cho biết, nhấn mạnh rằng nếu các gia đình tị nạn không được tạo một lối đi pháp ly để tái hợp với gia đình họ thì họ sẽ tìm những cách thức bất hợp pháp. Đó là những con đường nguy hiểm và có thể gây chết chóc.

Ông Augstein nói thêm rằng, hành vi của hai vị Bộ trưởng Nội vụ và Tài chính Đức là mang tính tiêu cực, phá hoại và nó có thể được miêu tả không gì giống hơn là “một cuộc đảo chính” nhằm vào Thủ tướng Merkel.

Chưa hết, Nhà lãnh đạo quyền lực của nước Đức còn đang phải hứng chịu cơn phẫn nộ của Lãnh đạo Đảng CSU – đảng "chị em" với đảng CDU của bà. Lãnh đạo đảng CSU - Horst Seehofer đang kêu gọi Berlin hãy nhanh chóng hành động để đối phó với tình trạng hàng chục nghìn người nhập cư tràn vào bang miền nam của nước Đức từ Áo.

Ông Horst Seehofer cho rằng, không một xã hội nào có thể đối phó với làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ vào một cách liên tục và kéo dài như vậy. Ông này nhấn mạnh, bà Merkel đã phát đi một thông điệp hoàn toàn sai lầm đối với thế giới.

Trong cuộc hội đàm hồi cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Merkel đã phải lùi bước trong chính sách của mình. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định, bà Merkel vẫn đang trong tình thế nguy hiểm bất chấp dấu hiệu hàn gắn trong chính phủ liên minh của bà.


Ý kiến bạn đọc