(VnMedia) - Nga được cho là sẽ đề xuất một gói hợp đồng vũ khí "khủng" trị giá lên đến 10 tỉ USD cho Ả-rập Xê-út – một trong những đồng minh thân nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Phải chăng, Nga đang muốn ve vãn, lôi kéo bằng được đồng minh của Mỹ về phía mình?
Nga có khả năng sẽ bán cho Ả-rập Xê-út những vũ khí bảo bối |
Báo chí Nga hôm qua (11/11) đưa tin, Nga có thể đề xuất với Quốc vương Ả-rập Xê-út về gói hợp đồng trị giá khoảng 10 tỉ USD để cung cấp vũ khí Nga cho Riyadh khi ông này có chuyến thăm đến Moscow trong thời gian tới.
Trước đó, hôm 27/10, phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov đã tiết lộ với các phóng viên rằng, khả năng Quốc vương Salman sẽ đến thăm thủ đô Moscow và dự định này đang được lên kế hoạch thông qua các kênh ngoại giao.
“Quốc vương Ả-rập Xê-út có thể đến thăm thủ đô Moscow vào cuối tháng 11 và một số hợp đồng trị giá lên tới 10 tỉ USD đang được chuẩn bị cho chuyến thăm của ông ấy”, tờ Vedomosti dẫn nguồn tin từ công ty công nghệ Rostec và tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Rosoboronexport của Nga cho hay.
Tờ Vedomosti cũng cho biết thêm rằng, giới chức Ả-rập Xê-út đang rất quan tâm đến hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander (còn được NATO gọi là tên lửa SS-26 Stone).
Iskander là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006.
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả. Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.
Ngoài tên lửa Iskander, theo tin mới nhất được Rostec tiết lộ hôm 9/11 vừa rồi, Ả-rập Xê-út còn đang thèm khát các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Như vậy, Ả-rập Xê-út đang rất muốn có được trong tay 2 trong số những vũ khí bảo bối hàng đầu của Nga. Không rõ Moscow có sẵn sàng chìa ra những vũ khí quý giá này để lôi kéo, ve vãn Ả-rập Xê-út hay không.
Ả-rập Xê-út vốn là đồng minh thân thiết hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông đồng thời cũng là khách hàng truyền thống mua vũ khí của Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nước này đang tìm kiếm các đối tác khác để làm phong phú thêm kho vũ khí của mình. Việc Ả-rập Xê-út tìm đến với Nga sẽ là tin tức khiến Mỹ không tránh khỏi cảm giác khó chịu khi mà siêu cường số 1 thế giới vốn gần đây đã luôn ám ảnh về viễn cảnh các đồng minh của họ ở Trung Đông lần lượt rời bỏ họ để chạy theo Nga.
Ả-rập Xê-út trước mắt được cho là sẽ không quay lưng với đồng minh Mỹ nhưng việc nước này thắt chặt quan hệ với Nga là điều gần như chắc chắn. Hồi tháng Tư mới đây, Tổng thống Putin và Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman đã nhất trí mở rộng quan hệ hợp tác song phương và giải quyết một loạt vấn đề khu vực, quốc tế có liên quan đến hai nước.
Ngoài việc là một nước lớn có ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, Ả-rập Xê-út còn là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới vì nước này dành đến 80 tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2015. Chính vì vậy, nước nào lôi kéo được Ả-rập Xê-út hay mất đi đồng minh Ả-rập Xê-út đều bị ảnh hưởng lớn đến quyền lợi.
Ý kiến bạn đọc