(VnMedia) - Cục Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) hôm qua (29/10) cho biết, cơ quan này đã đề nghị giới chức hàng không của Ukraine tiến hành các cuộc đàm phán nhằm nối lại đường bay giữa hai nước. Tuy nhiên, Kiev đã nhanh chóng từ chối lời đề nghị của phía Nga một cách phũ phàng. Đây là dấu hiệu cho thấy, chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko quyết liệt cắt đứt quan hệ với nước láng giềng Nga.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine ngày càng trở nên xa cách |
Các hoạt động đường không trực tiếp giữa hai đồng minh một thời - Nga và Ukraine đã chính thức bị cắt đứt hôm Chủ nhật tuần trước (25/10). Diễn biến này đánh dấu một mức xuống thấp hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước láng giềng, trong bối cảnh hai bên đang đối đầu nhau quyết liệt.
Kiev là bên khơi mào ra cuộc đối đầu mới nhất với Moscow trong lĩnh vực hàng không. Chính quyền của ông Poroshenko đã ra lệnh cấm mọi chuyến bay của các hãng hàng không Nga, trong đó có cả hãng hàng không quan trọng nhất của Nga - Aeroflot, đến Ukraine. Lệnh cấm này chính thức có hiệu lực từ ngày 25/10. Khi tung ra “đòn” trên, Kiev giải thích là họ muốn trừng phạt các hãng hàng không Nga vì đã bay tới Crimea - bán đảo xinh đẹp nằm trên bờ Biển Đen từng thuộc Ukraine, nhưng mới được sáp nhập trở lại Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
Moscow chỉ trích đòn trừng phạt trên của Kiev là một “sự điên rồ” khác của chính quyền Kiev. Tất nhiên, Moscow sau đó đã trả đũa bằng một lệnh cấm tương tự đối với các hãng hàng không của Ukraine.
Cục Hàng không Liên bang Nga - Rosaviatsia hôm qua cho biết trong một tuyên bố rằng, họ đã đề xuất “tiếp tục các cuộc đối thoại, đàm phán với mục đích nhanh chóng nối lại mối quan hệ về đường hàng không giữa Nga và Ukraine”. Theo Rosaviatsia, việc dừng mọi chuyến bay từ Nga đến Ukraine cũng như ngược lại đang gây thiệt hại cho các hành khách.
Một phát ngôn viên của Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine xác nhận Kiev đã nhận được bức thư từ Rosaviatsia nhưng đã trả lời rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể được khởi động nếu “Nga trả những khoản tiền phạt hiện tại và chấm dứt các chuyến bay tới những khu vực bị giới hạn, chủ yếu ở đây là bán đảo Crimea”. Tiền phạt mà Kiev nhắc đến ở đây là khoản tiền mà nước này bắt Nga phải trả vì “những vụ vi phạm không phận bán đảo Crimea”.
Doanh thu mất đi từ việc bán vé cho hàng trăm nghìn hành khách của cả Nga và Ukraine sẽ chạm xuống mức đáy. Một số hãng hàng không của Nga và Ukraine trước đó đã báo lỗ kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn ra. Trong nửa đầu năm nay, có khoảng 657.000 hành khách bay qua lại giữa Nga và Ukraine. Hồi đầu tuần này, các nguồn tin hiểu rõ tình hình đã tiết lộ, những chuyến bay trực tiếp qua lại giữa Nga và Ukraine sẽ không thể được nối lại sớm.
Bán đảo Crimea có vẻ là nguyên nhân chính dẫn đến đòn trừng phạt hàng không mà Ukraine tung ra nhằm vào Nga. Bán đảo Crimea đã trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.
Kể từ sau vụ sáp nhập, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, Nga cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine.
Nga dường như cũng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ mối đe doạ nào nhằm vào Crimea khi liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo này bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình và liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quân sự rầm rộ ở nơi đây để răn đe, thị uy đối thủ. Thậm chí, giới chức Moscow còn úp mở đến chuyện đưa cả vũ khí hủy diệt hàng loạt đến Crimea.
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 18 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc