Quân đội Trung Quốc "ăn miếng trả miếng" với Mỹ

08:14, 30/10/2015
|

(VnMedia) - Quân đội Trung Quốc hôm qua (29/10) đã lên tiếng đe dọa rằng, nước này sẽ tung ra mọi biện pháp cần thiết” để đáp trả bất kỳ hành động xâm nhập nào của Hải quân Mỹ, vào cái mà họ tự nhận là thuộc lãnh hải của mình xung quanh các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường US Lassen của Mỹ
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường US Lassen của Mỹ

Tuyên bố mang tính đe dọa trên được Đại tá Yang Yujun tung ra, sau khi Mỹ đưa một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông chiến lược. Washington từ chối thừa nhận đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở quanh các đảo nhân tạo. Luật pháp quốc tế cũng không thừa nhận đòi hỏi đó. Luật quốc tế quy định rất rõ rằng, việc xây dựng các công trình ở những khu vực chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên cao không giúp một nước xác lập chủ quyền.

Phía Trung Quốc không có hành động mạnh để đáp trả việc Mỹ đưa tàu USS Lassen vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã tung ra rất nhiều lời phản đối, chỉ trích gay gắt và cả những cảnh báo, đe dọa. Đây là phản ứng mà Trung Quốc thường đưa ra trong những vụ việc tương tự trong những năm gần đây.

Mặc dù đưa ra lời đe dọa đầy cứng rắn như trên, nhưng Đại tá Yang không nói cụ thể Bắc Kinh sẽ phản ứng khác như thế nào trong tương lai. "Chúng tôi sẽ kêu gọi Mỹ không tiếp tục theo đuổi con đường sai trái. Tuy nhiên, nếu phía Mỹ vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết”, ông Yang nhấn mạnh. Ông này còn nói thêm rằng, quyết tâm của Trung Quốc trong việc “bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh là rất vững chắc”.

Trung Quốc đang có tranh chấp chủ lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, cũng như với Vùng lãnh thổ Đài Loan. Bắc Kinh gây bất bình lớn khi phơi bày rõ tham vọng muốn độc chiếm Biển Đông thông qua đòi hỏi chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn liếm trọn đến 85% Biển Đông. Đây là điều không được các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung chấp nhận.

Trong khi Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền, thì nước này nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự cần thiết của việc bảo vệ sự tự do hàng hải. Washington liên tục kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay dự án tham vọng nhằm xây dựng các đảo nhân tạo mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng toàn diện như các tòa nhà, cầu cảng và sân bay. Những cơ sở hạ tầng này không chỉ để phục vụ cho mục đích dân sự mà còn có thể phục vụ cho mục đích quân sự. Giới phân tích tin rằng, việc Trung Quốc cấp tập tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông thực chất là nhằm phục vụ mưu đồ giúp quân đội nước này vươn rộng tầm với ra khắp Biển Đông, tiến tới giúp Bắc Kinh biến khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này thành “ao nhà” của họ.

Khi phản ứng với hành động của Mỹ, phát ngôn viên Yang không đả động gì đến đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Ông này chỉ nhấn mạnh lại những lời chỉ trích trước đó của Bắc Kinh rằng, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và luật pháp quốc tế” mặc dù luật pháp quốc tế cho các nước quyền tự do đi lại trên các vùng biển như vậy.

Theo lời Đại tá Yang, Trung Quốc đã phái hai tàu hải quân đi bám sát theo tàu Lassen, giám sát mọi nhất cử nhất động của tàu chiến Mỹ và phát đi cảnh báo.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, nước này ủng hộ quyền tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời, nhưng cáo buộc Mỹ vi phạm các quy định trên vì mục đích riêng của mình. "Chúng tôi kịch liệt lên án bất kỳ nỗ lực nào nhân danh sự tự do hàng hải để làm phương hại đến các lợi ích và an ninh của các quốc gia ven biển”, ông Yang nói.

Bất chấp những căng thẳng hiện giờ giữa hai nước Mỹ-Trung, ông Yang cho hay, vụ việc liên quan đến tàu Lassen sẽ không làm gián đoạn các cuộc tiếp xúc, trao đổi chính thức giữa hai bên, nói rằng kế hoạch chuyến thăm của Đô đốc  Harry Harris Jr. - người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đến Trung Quốc vẫn diễn ra vào cuối năm nay.

Về phần mình, Washington tuyên bố, việc họ điều tàu chiến đến khu vực trên là để khẳng định sự tự do hàng hải, tự do bay qua  bầu trời ở Biển Đông và cũng là để thể hiện sự không công nhận của Mỹ đối với chủ quyền của Trung Quốc đòi hỏi một cách phi lý ở khu vực này.

Giới chức Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố, họ sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến tuần tra của tàu chiến ở khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc và rằng những cuộc tuần tra sẽ trở thành một hoạt động định kỳ, thường xuyên của Hải quân Mỹ trong khu vực. Không rõ sau lời đe dọa của Trung Quốc, liệu Mỹ có tiếp tục thực hiện hoạt động nói trên hay không.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc