Mỹ hành động quá muộn ở Biển Đông?

14:09, 29/10/2015
|

(VnMedia) - Mỹ đang gây sóng gió ở Biển Đông khi điều tàu chiến đi thách thức Trung Quốc, khiến giới chức ở thủ đô Bắc Kinh sôi sục tức giận. Tuy nhiên, trong nội bộ Mỹ cũng “sóng gió” không kém vì hành động này.

Biển Đông đang
Biển Đông đang "nổi sóng dữ" vì cuộc đối đầu Trung-Mỹ

Quyết định của Mỹ trong việc điều tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông đang đốt nóng căng thẳng trong khu vực, châm ngòi cho một cuộc đối đầu mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Khỏi phải nói giới chức ở Bắc Kinh và truyền thông Trung Quốc đã tức giận như thế nào trước hành động thách thức của Mỹ đối với đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.  

Tuy nhiên, không chỉ khu vực Biển Đông “nổi sóng dữ” mà nội bộ Mỹ cũng chao đảo vì mâu thuẫn xung quanh quyết định của chính quyền Tổng thống Obama trong việc đưa tàu chiến đi thách thức Trung Quốc. Đối với Lầu Năm Góc, động thái gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Obama diễn ra quá muộn và nó đã bị Nhà Trắng trì hoãn từ hồi tháng Năm.

Sáng hôm thứ Ba (27/10), tàu USS Lassen đã tiến hành một cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trong khi Mỹ khăng khăng cho rằng, họ hành động như vậy là để thể hiện và bảo vệ sự tự do hàng hải ở khu vực thì Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng chỉ trích gay gắt, miêu tả đó là hành động “hung hăng, khiêu khích”.

Giới chức Trung Quốc tung ra một loạt cảnh báo sắc lạnh, nói rằng Trung Quốc nên thận trọng trước khi hành động và nên nhanh chóng “sửa chữa sai lầm, không có hành động nguy hiểm, khiêu khích gây đe doạ đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Bất chấp phản ứng đầy tức giận của phía Bắc Kinh, Washington vẫn tuyên bố đầy thách thức rằng, họ sẽ tiếp tục điều tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc và rằng hành động đó sẽ trở thành hoạt động định kỳ, thường xuyên.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng vì sự vụ trên thì ở trong nội bộ Mỹ cũng đang diễn ra sự rạn nứt vì chuyện này.

Theo hãng tin Reuters, đề xuất về việc đưa tàu Larssen vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã được đưa ra từ lâu. Cụ thể, giới chức Lầu Năm Góc từ hồi giữa tháng Năm đã thúc giục Nhà Trắng phải có hành động thách thức về mặt hải quân đối với những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Dẫn lời các quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ liên tiếp vấp phải sự phản đối của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Một phần của lý do dẫn đến sự trì hoãn không hành động của Washington là chính quyền Tổng thống Obama muốn tránh không bị coi là có hành động trả đũa sau các cuộc tranh cãi với Trung Quốc. Ví dụ như, việc điều tàu chiến đến Biển Đông được triển khai ngay sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ sẽ phát đi thông điệp sai lầm.

"Sự quan ngại ở đây là, nếu hành động như vậy sẽ giống như chúng tôi đang trả đũa cho một điều mà Trung Quốc vừa làm. Điều đó sẽ làm phương hại đến mục tiêu của chúng tôi là nhấn mạnh rằng vấn đề ở đây là luật pháp quốc tế, là quyền của chúng tôi trong việc được đi lại tự do trên các vùng biển”, một quan chức Mỹ tiết lộ.

Tuy nhiên, theo các quan chức khác của Mỹ, sự trì hoãn, chậm chễ của Washington cho phép Bắc Kinh củng cố đòi hỏi chủ quyền của nước này và vì thế đã khiến cho cuộc tuần tra hôm thứ Ba của Mỹ vấp phải phản ứng căng thẳng hơn so với cách đây 5 tháng.

"Trì hoãn các cuộc tuần tra thực sự đã làm mọi việc trầm trọng hơn. Điều đó có thể đã làm hỏng chiến lược ban đầu là biến những cuộc tuần tra của Mỹ trở thành vấn đề bình thường, định kỳ”, nguồn tin từ giới chức Mỹ cho hay.

Cho đến tận tháng trước, chính quyền của Mỹ mới thừa nhận rằng họ đã được Bộ Quốc phòng khuyến nghị hành động.

"Tất cả sự chú ý hiện nay đối với cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ đã làm phương hại đến tính hiệu lực của sự tự do thực hiện các chiến dịch hàng hải”, ông Bonnie Glaser – một cố vấn an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Washington, đã nhận định như vậy.

Một quan chức khác của Mỹ phản bác lại rằng, sự trì hoãn mấy tháng qua giúp chính quyền Tổng thống Obama có thời gian phân tích tất cả những nguy cơ tiềm ẩn của một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Trung. Washington muốn bảo đảm chắc chắn rằng Bắc Kinh tiếp nhận được toàn bộ thông điệp mà họ muốn nhắn gửi đi, đó là một sự thách thức về đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc chứ không phải là một cuộc tấn công quân sự công khai.

"Mục đích của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi đưa ra được những quyết định khôn ngoan nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả vấn đề hàng hải”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Những tranh luận trên cho thấy sự khác nhau về quan điểm của giới chức Mỹ trong vấn đề thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Biển Đông hiện tại là một trong những điểm nóng hàng đầu của thế giới. Nơi đây không chỉ chứng kiến các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á mà còn là nơi diễn ra cuộc đối đầu, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ-Trung.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc