Tin sốc về tên lửa vô đối của Nga

06:51, 28/10/2015
|

(VnMedia) - Tập đoàn xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga - Rosoboronexport trong tương lai có kế hoạch bán những hệ thống tên lửa vô đối Iskander (còn được NATO gọi là SS-26 Stone) ra thị trường nước ngoài, Tổng Giám đốc tập đoàn Rosoboronexport - ông Anatoly Isaikin hôm 27/10 cho biết. Đây quả là một tin bất ngờ bởi tên lửa Iskander lâu nay được coi là một trong những báu vật quý giá nhất trong kho vũ khí của Nga.

Tên lửa Iskander
Tên lửa Iskander

 

“Hệ thống tên lửa Iskander sẽ được giới thiệu ra thị trường xuất khẩu trong tương lai”, ông Isaikin khẳng định với giới phóng viên mà không cho biết thời gian cụ thể Nga sẽ chào bán thứ vũ khí tối tân hàng đầu này.

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006.

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 - tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.

Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.

Trong cuộc đối đầu mới nhất với phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga cũng đem tên lửa Iskander quý giá của mình ra làm công cụ để răn đe đối thủ.

Mới đây, sư đoàn tên lửa dẫn đường thuộc Lực lượng Bộ binh Nga đóng tại khu vực cực tây Kaliningrad đã được tái trang bị những tên lửa đạn đạo thiện chiến Iskander-M. Đây là một trong những động thái của Moscow nhằm đối phó với sức ép ngày một mạnh mẽ về quân sự của phương Tây về phía biên giới Nga.

Những tên lửa Iskander được triển khai ở Kaliningrad có thể đánh trúng các mục tiêu của NATO ở Ba Lan, Lithuania và thậm chí là ở Đức.

Trước đó, hồi năm 2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã từng thông báo kế hoạch triển khai một loạt tổ hợp tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad nhằm đối phó với mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ định dựng lên ở một số nước Đông Âu.

NATO và Mỹ khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ chỉ nhằm để bảo vệ các nước thành viên NATO khỏi những cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, Moscow không tin điều này. Moscow muốn Washington đảm bảo bằng văn bản pháp lý rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu không nhằm vào Nga nhưng Washington từ chối yêu cầu này. Chính vì lẽ đó, Nga nhiều lần cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Rõ ràng việc Nga chuẩn bị bán tên lửa Iskander ra thị trường nước ngoài sẽ là một tin vui đối với một số nước nhưng cũng sẽ là một tin xấu đối với một số nước khác. Những nước đồng minh của Nga đương nhiên rất kỳ vọng vào khả năng được đón nhận các siêu tên lửa Iskander trong khi các đối thủ của Nga không khỏi lo ngại về viễn cảnh những kẻ thù của họ có trong tay loại vũ khí thiện chiến hàng đầu như tên lửa Iskander.

Trong một diễn biến khác liên quan đến hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga, tập đoàn Rosoboronexport cho biết, họ đặt mục tiêu xuất khẩu vũ khí hàng năm không ít hơn mức 12 tỉ USD.

Ông Isaikin cho các phóng viên biết: “Trong 15 năm qua, xuất khẩu vũ khí của tập đoàn Rosoboronexport đã tăng hơn gấp 4 lần. Mục tiêu chính của nhà xuất khẩu vũ khí đặc biệt này hiện tại là duy trì số lượng xuất khẩu vũ khí hàng năm ở mức 12 đến 13 tỉ USD mà họ đã đạt được trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2014”.

Theo ông Isaikin, khoảng 37% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga là sang thế giới Ả-rập. Tập đoàn xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga hiện đang làm việc với hơn 700 công ty và tổ chức đồng thời hợp tác với hơn 70 quốc gia.

Vân Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc