(VnMedia) - Nga và Mỹ vừa ký kết một thỏa thuận, trong đó đưa ra quy định đối với các chiến dịch không kích của không lực hai nước tại Syria, hãng tin RT hôm qua (20/10) đưa tin.
Thỏa thuận này được đưa ra nhằm mục đích ngăn ngừa các sự cố va chạm giữa không lực hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch mà hai nước tiến hành và mở đường cho không lực Nga và Mỹ hỗ trợ lẫn nhau trong những tình huống cấp bách.
Thỏa thuận có tên đầy đủ là “Bản ghi nhớ về sự Hiểu biết lẫn nhau giữa Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ nhằm ngăn ngừa các sự cố và triển khai các chuyến bay trong chiến dịch ở Syria”. Theo Bộ Quốc phòng Nga, thỏa thuận này được đánh giá là một bước tiến tích cực giữa hai nước về vấn đề Syria.
“Văn bản này có giá trị thực tế vô cùng quan trọng. Nó đưa ra quy định về hoạt động của các chiến đấu cơ không người lái và có người lái trên không phận của Syria. Bản ghi nhớ này bao gồm một loạt các nguyên tắc và các điểm giới hạn nhằm ngăn chặn xảy ra sự cố giữa không lực Nga và Mỹ”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Ngay sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, các kênh liên lạc hoạt động 24/7 sẽ được thiết lập giữa sở chỉ huy quân đội của Nga và Mỹ để hai bên trao đổi thông tin.
Theo Bộ Quốc phfong Nga, phía Mỹ đã cam kết sẽ thông báo các nội dung của thỏa thuận cho các thành viên trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS của mình để họ cũng sẽ thực hiện theo các quy định của thỏa thuận.
Việc ký kết Bản ghi nhớ này cho thấy giữa Nga và Mỹ có tiềm năng hợp tác cao, kể cả trong cuộc chiến chống khủng bố, Bộ Quốc phòng Nga nhận định.
Tuy nhiên, Bộ Quốc Nga phòng nhấn mạnh, thỏa thuận trên chỉ hoàn toàn mang tính quân sự và kỹ thuật, và việc ký thỏa thuận không thay đổi quan điểm cơ bản của Nga, đó là "quân đội Nga hành động ở Syria theo đề nghị của các chính quyền hợp pháp, còn khi một nước sử dụng vũ lực ở lãnh thổ một quốc gia nào khác mà không được sự đồng ý của chính quyền hoặc cho phép của Hội đồng Bảo an LHQ là đi ngược luật pháp quốc tế".
Được biết, thỏa thuận này được ký kết sau 3 cuộc hội đàm qua video giữa các đại diện quân sự Mỹ và Nga.
Bình luận về thỏa thuận mới, người phát ngôn Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, từ lâu cơ quan này đã kêu gọi Lầu Năm Góc tiến hành các nỗ lực chung để cứu hộ bất kỳ phi công nào bị bắn rơi ở Syria, song quân đội Mỹ có vẻ không sẵn sàng hợp tác.
"Đầu tiên, chúng tôi nói về các chiến dịch cứu hộ bất kỳ phi công nào tham gia các hoạt động quân sự ở Syria. Đây không phải vấn đề giờ hay phút mà là vấn đề tính theo từng giây và tính mạng của phi công sẽ phụ thuộc vào công việc chung của chúng ta. Tuy nhiên, tiếc là các đồng nghiệp phương Tây vẫn không đánh giá cao sự thiết yếu của tình hình", ông Konashenkov nói thêm.
Theo Lầu Năm Góc, thỏa thuận nói trên giữa Nga và Mỹ đã có hiệu lực và văn kiện này không liên quan đến việc thiết lập các vùng hợp tác hoặc chia sẻ thông tin tình báo.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, thỏa thuận này cụ thể hóa tần số radio mà hai bên sử dụng để liên lạc, thiết lập một đường dây nóng trên mặt đất, và chỉ định một nhóm làm việc để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Khi được hỏi liệu Nga và Mỹ có thể đi xa tới mức nào trong việc thiết lập khu vực hợp tác, trong cuộc phỏng vấn với RT, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Jim Jatras phát biểu rằng, chính quyền Obama "không thể thừa nhận rằng họ đang yếu ớt đi theo sự chỉ dẫn của Nga và chính sách của họ hoàn toàn không gắn kết". Vì vậy theo ông, Mỹ và Nga còn ở rất xa nhau trong vấn đề này.
“Thay đổi quan điểm của Mỹ là một quá trình lâu dài”, ông nhận định, đồng thời bổ sung rằng hoạt động quân sự của Nga ở Syria cho tới nay rất đáng “khích lệ” và giúp mở rộng tầm mắt cho mọi người. Các chiến dịch này cũng cho thấy "không có cái gọi là đối lập ôn hòa và Mỹ đã ủng hộ khủng bố thánh chiến kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001".
Ông Jatras cũng tỏ ý hy vọng Mỹ cuối cùng sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Nga.
Nga đã tiến hành một chiến dịch không kích ác liệt nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria được 3 tuần nay. Báo cáo thường ngày của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy, hàng chục mục tiêu của IS đã bị lực lượng không quân Nga tấn công và tiêu diệt, trong đó có nhiều kho vũ khí và đạn dược, cũng như các đường dây liên lạc, các trạm chỉ huy và thành lũy của tổ chức này.
Trong khi đó, Washington cáo buộc các cuộc không kích của Nga đã tấn công vào các mục tiêu không phải là khủng bố, trong đó có những người thuộc phe nổi dậy “vừa phải” được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như chính quyền của ông đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định mục tiêu của chiến dịch không kích của họ chỉ là nhằm chống lại và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, chứ không phải hỗ trợ quyền lực cho Tổng thống Assad.
Tuy vậy, chính liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng tiến hành các chiến dịch ném bom của riêng mình tại Syria, mà theo Nga cáo buộc chúng thiếu sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cũng như sự cho phép của các chính quyền hợp pháp của Syria.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc