(VnMedia) - Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có nhiều điểm mới nổi bật về giải pháp chặn lợi ích nhóm, quy định về kiểm soát tài sản; quy định về phòn chống tham nhũng trong khu vực tư nhân; quy định về vai trò của các cơ quan Đảng trong chống tham nhũng…
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là kỳ họp thứ 2 dự thảo luật Phòng chống tham nhũng trình Quốc hội cho ý kiến và cũng là lần thứ 3 đạo luật được sửa đổi trong vòng 12 năm kể từ khi ra đời (2005). .
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Theo đó, Dự thảo có nhiều điểm mới nổi bật là các quy định về giải pháp chặn lợi ích nhóm, quy định về kiểm soát tài sản; quy định về phòn chống tham nhũng trong khu vực tư nhân; quy định về vai trò của các cơ quan Đảng trong chống tham nhũng…
Ngăn chặn lợi ích nhóm
Về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo đã bổ sung thêm “Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước”. Quy định này thể hiện tinh thần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Về các hành vi tham nhũng: Dự thảo giữ nguyên quy định về các hành vi tham nhũng như luật hiện hành, tuy nhiên có chỉnh lý, làm rõ cho đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng. Theo đó, hành vi tham nhũng bao gồm 7 nhóm hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự trong các điều từ 353 đến 359 và 05 hành vi theo quy định của Luật hiện hành.
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có những quy định mới về giải pháp chặn lợi ích nhóm, sân sau của quan chức. Theo đó, lãnh đạo của các cơ quan (gồm người đứng đầu hoặc cấp phó) không được tuyển dụng, bổ nhiệm vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu (gọi tắt là người thân) làm một số công việc trong đơn vị. Đó là các việc như: Tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng…
Dự luật nêu rõ cấp có thẩm quyền không bố trí một nhân sự nào đó làm lãnh đạo khi có người thân làm các công việc nêu trên. Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh tế một nhân sự được dự kiến là lãnh đạo ở cơ quan nhà nước, nhưng lại có người thân tham gia quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp hoặc kinh doanh trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan đó, thì nhân sự này sẽ không được bổ nhiệm.
Dự thảo luật quy định nhân sự được dự kiến bố trí là lãnh đạo nhưng có người thân làm việc và kinh doanh như nêu trên, thì phải có trách nhiệm báo cáo với tổ chức để tổ chức bố trí công tác khác cho mình.
Một điểm sửa đổi quan trọng của dự luật lần này cũng quy định về vấn đề xung đột lợi ích để loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng. Dự thảo quy định rõ, người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích thì phải báo cáo với người lãnh đạo, quản lý trực tiếp để xem xét, xử lý.
Đồng thời, để hạn chế đặc quyền đặc lợi của quan chức, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật đã bổ sung chế định liêm chính. Theo đó, tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh (từ Điều 23 đến Điều 26).
Điều 23, dự luật đã quy định cụ thể những việc mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Đó là, không được cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh... trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Dự thảo cũng quy định, cán bộ, công chức, viên chức cũng bị cấm thành lập doanh nghiệp, giữ chức vụ quản lý, điều hành hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn 5 năm kể từ khi thôi giữ chức vụ, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định thời hạn dài hơn thì áp dụng quy định của pháp luật đó.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực tư, theo đó một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động của luật.
Kê khai, kiểm soát tài sản
Dự thảo sửa đổi quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3 đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công cũng nằm trong quy định này.
Theo đó, dự thảo điều chỉnh rõ ràng hơn theo hướng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Đồng thời, dự thảo cũng bỏ quy định về kê khai hằng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung.
Để khắc phục bệnh hình thức, dự thảo quy định theo hướng, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật hiện đang để 2 phương án thực hiện công khai bản kê khai đối với người có nghĩa vụ kê khai nói chung. Phương án 1 quy định bản kê khai của công chức là đảng viên phải được công khai tại cuộc họp nơi người đó sinh hoạt sau khi tiến hành kê khai (thu hẹp) và phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành (người có nghĩa vụ kê khai gồm cả cán bộ, công chức, viên chức phải công khai tại nơi thường xuyên làm việc).
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc chủ động thu thập, khai thác thông tin, dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập; cập nhật thông tin, dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, dữ liệu nhằm giải trình, làm rõ về tài sản, thu nhập tăng thêm và quyết định việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ quy định. Dự thảo đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Dự thảo đã mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, bao gồm: Khi có căn cứ việc kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xác minh bắt buộc đối với những người dự kiến bầu, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ và hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính.
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan Đảng tham gia chống tham nhũng
Dự thảo qui định rõ về trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong đó vai trò của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng được đề cao hơn so với luật hiện hành khi quy định việc thành lập Ủy ban Lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm theo quy định tại Điều 88, Điều 89 Luật Tổ chức Quốc hội và đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bổ sung những quy định về trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi tham nhũng; Quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai…
Về trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng. Nhằm khắc phục những bất cập phát hiện qua thực tiễn thi hành và kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Dự thảo quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu.
Theo đó, Dự thảo xác định rõ nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để làm căn cứ xác định trách nhiệm khi người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm của mình, để xảy ra hành vi tham nhũng.
Dự thảo bổ sung quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chủ động từ chức trước khi xem xét trách nhiệm thì không bị xử lý kỷ luật. Quy định nhằm đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu, giúp hình thành “văn hóa từ chức” khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
PM
Ý kiến bạn đọc